Sinh viên gợi ý nhiều giải pháp cho giao thông
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 17/12/2012
Dẫu chỉ là quan điểm được đưa ra dưới góc nhìn của những sinh viên tình nguyện đã, đang trực tiếp cùng lực lượng chức năng tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, nhưng theo đánh giá của Ban tổ chức, diễn đàn này đã gợi mở nhiều giải pháp tích cực cho các cơ quan chức năng trong xây dựng cơ chế, chính sách.
Thu phí vào trung tâm Thủ đô sẽ hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nhật Nam |
Thu phí để giảm những chuyến đi không cần thiết
Đó là quan điểm được các nhóm sinh viên ủng hộ đề án thu phí phương tiện vào trung tâm nội đô đề xuất. Hà Nội hiện có tổng cộng hơn 4 triệu phương tiện cá nhân, trong đó xe máy khoảng 3,6 triệu chiếc (chiếm 1/8 số lượng xe máy cả nước), ô tô khoảng hơn 400 nghìn chiếc (chiếm 1/6 số lượng ô tô cả nước), mỗi năm lại tăng trung bình 10-15%. Gia tăng phương tiện quá nhanh khiến cho ùn tắc là không thể tránh khỏi. Các quận trung tâm, như Hoàn Kiếm, Ba Đình… luôn là điểm nóng về ùn tắc giao thông. Việc thu phí sẽ giảm thiểu lưu lượng xe đi vào khu vực trung tâm, qua đó làm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng độ an toàn cho người tham gia giao thông.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc thu phí còn góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cho Thủ đô và vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).
Trước câu hỏi sẽ triển khai mô hình thu phí như thế nào, nhóm sinh viên trên đề xuất, Hà Nội có đặc thù là giao thông bàn cờ nên không khó tìm địa điểm đặt trạm thu phí và cần áp dụng thu phí thông minh để giảm ùn tắc. Thời gian thu phí áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu, mức phí nên áp theo dung tích của động cơ phương tiện và sẽ thu cao vào giờ cao điểm rồi giảm dần vào giờ thấp điểm. Trạm thu phí nên đặt trên các trục đường chính dẫn vào trung tâm. Người dân chỉ vào trung tâm khi thực sự có nhu cầu và chắc chắn sẽ giảm những chuyến đi không cần thiết. Ban đầu, nên thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, sau đó xem xét phản hồi để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Không nên bắt người dân phải gánh chịu
Sao lại bắt người dân bỏ tiền túi để chia sẻ gánh nặng ùn tắc giao thông? Kinh phí lấy ở đâu để xây dựng các trạm thu phí trong điều kiện Chính phủ và TP đang cắt giảm đầu tư công? Đây là câu hỏi được sinh viên Nguyễn Thanh Tùng (Học viện Chính sách và Phát triển), đại diện cho nhóm không ủng hộ nêu ra. Nhóm sinh viên này phản biện, mới đây Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định về thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô, xe máy trên cả nước. Nếu thu thêm khoản phí này sẽ tạo ra gánh nặng phí đè phí cho người dân. Khi có trạm thu phí, người dân sẽ chọn đi các đường nhỏ thay vì đường to để trốn phí, đẩy ùn tắc từ chỗ này sang chỗ khác. Như vậy cũng chỉ là giải pháp tình thế. Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu cách làm này, nhưng sau đó phải dừng lại vì chưa khả thi. Để xây dựng khoảng 30 trạm thu phí ở Hà Nội theo tính toán cần đến hơn 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này hoàn toàn có thể dành để làm đường, xây cầu và phát triển VTHKCC. Khi phương tiện công cộng phát triển, tự khắc người dân sẽ lựa chọn và dần bỏ phương tiện cá nhân. Giải pháp cơ bản nhất nhằm giảm ùn tắc về lâu dài vẫn phải là quy hoạch đô thị một cách khoa học, phát triển thêm các loại vận tải công cộng: tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, di chuyển các nhà máy, trường học… ra khỏi nội đô.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết, mục đích thu phí vào trung tâm không phải là để tăng thu ngân sách mà để quản lý đô thị tốt hơn. Biện pháp thu phí vào nội đô là rất cần thiết, song việc tổ chức thu như thế nào, đặt trạm, mức thu ra sao... đang là thách thức lớn cho nhà quản lý. Cơ quan chức năng sẽ khảo sát, nghiên cứu những đóng góp của sinh viên để tìm sự đồng thuận trong xã hội.