Tạo dựng nền tảng - Mục tiêu hàng đầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:48, 17/12/2012
Vấn đề là các nhà quản lý môi trường dự toán con số cần cho việc đạt được những mục tiêu nói trên vào khoảng 50 tỷ USD, cỡ hơn một triệu tỷ tiền Việt Nam. Giữa thời buổi khó khăn như hiện nay, không chỉ là khó đối với khả năng huy động ngân sách của quốc gia, mà khó ngay cả với khả năng tìm kiếm nguồn kinh phí từ bên ngoài bởi con số nói trên là rất lớn.
Chưa bao giờ lĩnh vực môi trường được quan tâm như lúc này, khoản tiền nói trên, nếu phải chi ra mà chắc chắn đạt được hiệu quả, mục tiêu thì cũng là khoản chi xứng đáng. Vấn đề là làm gì, làm như thế nào khi có tiền, để tiền của không trôi ra sông bể vô ích?
Thế giới có nhiều tấm gương sáng về môi trường như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Anh... Ngay Châu Á cũng có Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần hơn, trong khu vực Đông Nam Á có "ngôi sao sáng" Singapore. Ở tất cả những quốc gia có điều kiện môi trường tốt (bao gồm nhiều yếu tố như môi trường không khí, nước…), điều dễ thấy là ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng đều ở mức rất cao. Bài học bảo vệ môi trường ở Singapore chỉ ra một số giải pháp quan trọng, đặc biệt là về hoạch định chiến lược bảo vệ môi trường, năng lực tuyên truyền giáo dục đi đôi với kiểm soát hành vi, thực thi luật pháp liên quan đến bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, với xuất phát điểm thấp về chất lượng môi trường, nỗ lực cải thiện tình hình cần đi liền với giải pháp tổng thể, dài hơi, tập trung vào một số mục tiêu ưu tiên. Kinh nghiệm thế giới cho thấy mục tiêu đầu tiên cần có là thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường thông qua những việc cụ thể hằng ngày, dựa trên sự kết hợp giữa giải pháp tuyên truyền giáo dục và xử lý sai phạm triệt để. Việc tuyên truyền giáo dục phải đi đôi với kiểm soát hành vi. Đạo luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, sau 7 năm ban hành, vào cuộc sống, đã đến lúc cần có sự bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho việc quản lý hoạt động bảo vệ môi trường. Đạo luật ấy cần có những chế tài dân sự, tạo điều kiện cho việc thực hiện cưỡng chế đối với các hành vi sai phạm. Những hình thức kiểm soát và xử lý hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường cần đa dạng, bảo đảm tính răn đe nhằm tránh sự tái phạm… Có được những điều nói trên mới tạo được nền thuận lợi cho việc thực hiện chiến lược quốc gia về môi trường.
Bảo vệ môi trường là việc phức tạp, cần rất nhiều tiền. Nhưng, ngoài tiền và một chiến lược tổng thể có ý nghĩa dẫn dắt thì còn phải có hệ thống giải pháp phù hợp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống. Cần phải có điều kiện nền tảng cho việc thực hiện hệ thống giải pháp ấy, trong đó quan trọng nhất là giáo dục, thuyết phục, uốn nắn hành vi để thúc đẩy cộng đồng cùng hướng về mục tiêu bảo vệ môi trường thay vì hành động ngược lại.