Chuyện gắn số nhà, đặt tên đường ở Quý Giáp
Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 16/12/2012
Dẫn chúng tôi vào thăm ngôi nhà số 18, đường Làng Quý (xã Liên Hà), ông Nguyễn Văn Bảng phấn khởi nói: "Từ ngày được gắn số nhà, người dân trong thôn ý thức hơn trong sinh hoạt văn hóa, vệ sinh môi trường. Người dân ai cũng hiểu, việc gắn biển số nhà rất văn minh, thuận lợi cho quản lý hành chính và phát triển KT-XH".
Cổng làng thôn Quý Giáp được xây dựng với kinh phí 400 triệu đồng từ tiền tự nguyện đóng góp của nhân dân.Ảnh: Đỗ Chí
Trưởng thôn Quý Giáp Nguyễn Thành Bôn, tác giả của "công trình" gắn biển số nhà, đặt tên đường, kể lại: "Sáng kiến này bắt nguồn từ việc hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội của thôn Quý Giáp đã thay đổi theo hướng đô thị hóa, đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang, nâng cấp khang trang, sạch đẹp". Hơn nữa, trong mấy năm trở lại đây, kinh tế của thôn có bước phát triển mạnh. Thôn có 200 doanh nghiệp, cơ sở và hộ gia đình sản xuất đồ gỗ nên việc có địa chỉ rõ ràng, thuận tiện cho việc giao dịch là nhu cầu thiết thực. Hơn 600 hộ trong thôn đã nhanh chóng nhất trí với sáng kiến này. Theo đó đường trục chính của thôn Quý Giáp được đặt tên là đường Làng Quý. Số nhà được đánh lần lượt chẵn - lẻ chia theo bên phải - trái đường, từ phía cổng làng đến cuối làng. Đường ở 61 ngõ xóm trong thôn đặt theo tên ngõ đã có từ trước đây và số nhà cũng được đặt theo chẵn - lẻ, phải - trái tương tự. Ông Nguyễn Thành Bôn cho biết thêm: "Kinh phí triển khai không nhiều, chỉ 40.000 đồng/biển, nhưng việc làm này đã thể hiện sự văn minh, khoa học và cái quan trọng nhất là được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Là người dân Thủ đô, chúng tôi phải theo nếp sống văn hóa người Hà Nội". Một nguyên tắc khác được thôn thực hiện nghiêm túc, đó là những ngôi nhà được đánh số phải là đất chính chủ, có nguồn gốc rõ ràng.
Mặt khác, trước khi gắn biển số nhà, đặt tên đường, thôn Quý Giáp đã triển khai làm đường giao thông nông thôn. Từ đầu tháng 11 đến nay, toàn bộ đường làng, ngõ xóm (khoảng 4,1km) đã được bê tông hóa, có hệ thống cống rãnh hoàn chỉnh. Phong trào làm đường diễn ra sôi nổi, hiệu quả với hàng nghìn người dân tham gia, đóng góp hơn 6.300 ngày công, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Lân chia sẻ: "Nhà nước hỗ trợ "nguyên, vật liệu gồm 500 tấn xi măng; 535m3 cát vàng; 600m3 cát đen; 1.000m3 sỏi; 1 tấn sắt và 15 vạn viên gạch. Người dân trong thôn rất phấn khởi khi được cấp trên quan tâm, tạo tiền đề quan trọng để chúng tôi xây dựng thôn xóm văn minh, giàu đẹp".
Bên cạnh những thay đổi về hạ tầng cơ sở, những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của thôn cũng được lưu giữ, phát huy. Người dân đã tự nguyện đóng góp 400 triệu đồng xây dựng cổng làng; tu sửa, xây mới tam quan chùa Quý với 70m3 gỗ lim, trị giá 5 tỷ đồng; xây mới đền Quý (2 tỷ đồng). Có nhiều tấm lòng hảo tâm như ông bà Trần Trọng Tiến, Nguyễn Thị Hạnh đóng góp 80 triệu đồng; ông Đỗ Hữu Dũng 50 triệu đồng; ông Nguyễn Đỗ Mai 50 triệu đồng… còn lại các hộ đều tự nguyện góp từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa của người dân cũng được quan tâm, thôn đã thành lập 4 câu lạc bộ bóng đá, 1 câu lạc bộ cầu lông, các tổ chức đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ đều có câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động sôi nổi. Hội từ thiện Liên Hà - Liên Trung gồm 100 hội viên, nòng cốt chủ yếu là người thôn Quý Giáp trong nhiều năm nay đã thường xuyên quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt, hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ tàn tật, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… Để có kinh phí hoạt động, các hội viên đã tổ chức các đêm diễn văn nghệ trong thôn, trong xã để kêu gọi nhân dân ủng hộ quỹ. Như ông Nguyễn Văn Hoạt, 72 tuổi với 40 năm tuổi Đảng, nhận xét: "Người dân thôn Quý Giáp đã biết đoàn kết để xây dựng quê hương. Tình làng nghĩa xóm cũng vì thế ngày càng gắn bó bền chặt, chan hòa".