Củng cố tổ chức Đoàn từ chi đoàn
Chính trị - Ngày đăng : 07:26, 16/12/2012
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Nhật Nam
"Đông thanh niên, nhưng khi có hoạt động cần tập hợp thì rất khó bởi đa số thanh niên là học sinh, sinh viên (đoàn viên sinh hoạt hai chiều), nhiều tình huống cần huy động lực lượng bí thư chi đoàn gần như "bất lực" vì nhiều lý do bất khả kháng từ phía đoàn viên, thanh niên. Trong khi đó, mức hỗ trợ hiện nay cho bí thư chi đoàn 100 nghìn đồng/tháng khiến nhiều người nản". Đây là ý kiến của chị Hà Minh Thư, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố số 4, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Nhiều bí thư chi đoàn khác cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Bí thư Chi đoàn phường Bưởi và hiến kế mỗi chi đoàn cần phải khai thác tốt lực lượng đoàn viên sinh hoạt hai chiều. Về tập hợp lực lượng đoàn viên hai chiều cần phải có giải pháp phù hợp với lứa tuổi. Đối với các thanh niên, đoàn viên đang học THPT cần tập hợp bằng các phong trào như thể dục, thể thao, văn nghệ; đối với học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học thì tập hợp họ qua mô hình câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại khu dân cư, trường học - nơi họ sinh sống và học tập. Theo chị Bùi Thùy Linh, Bí thư Chi đoàn 7, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, lứa tuổi học trò rất muốn khẳng định mình trước cộng đồng nên Đoàn phải là cầu nối để khuyến khích, chắp cánh cho họ. Bởi việc liên kết, khai thác hợp lý đoàn viên hai chiều, biết "tận dụng" họ sẽ thúc đẩy phong trào Đoàn tại các cụm dân cư.
Vấn đề tạo cơ chế cho thanh niên nông thôn vay vốn lập nghiệp cũng là chủ đề "nóng" được hơn 300 bí thư chi đoàn các huyện ngoại thành Hà Nội trao đổi, đề xuất với Thành đoàn Hà Nội và các ngành chức năng. Nguyễn Thế Kiên, Bí thư Đoàn xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ nêu 4 khó khăn mà cơ sở gặp phải. Đó là thanh niên cần vay vốn để lập nghiệp tại chính quê hương mình, tuy nhiên thủ tục vay ngân hàng rất khó khăn phức tạp; việc tổ chức cho đoàn viên, thanh niên học tập, tham quan các mô hình phát triển kinh tế giỏi ở cơ sở còn hạn chế; kinh phí hoạt động của Đoàn thanh niên cấp xã ở mức 24 triệu đồng/năm không thể đáp ứng chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi cơ sở trong tình hình mới; chương trình xây dựng nông thôn mới rất cần có máy tính nối mạng internet để truy cập thông tin về phương pháp và cách làm hay. "Nếu tới đây, tổ chức Đoàn đáp ứng được các vấn đề trên thì tôi bảo đảm chỉ trong thời gian ngắn, đông đảo thanh niên cụm dân cư sẽ xung phong tự nguyện viết đơn xin vào Đoàn" - anh Kiên khẳng định.
Vấn đề sinh hoạt chi đoàn theo kiểu hội nghị khô cứng như hiện nay khiến nhiều đoàn viên có cảm giác gượng ép, nhiều người thờ ơ và bỏ sinh hoạt. Đây là chủ đề được nhiều bí thư chi đoàn khối trường học quan tâm. Các chi đoàn cần đổi mới về cách thức và phương pháp tổ chức sinh hoạt chi đoàn, trong đó tận dụng sự phổ cập internet và mạng xã hội để truyền tải thông tin. Thêm nữa, không nhất thiết phải sinh hoạt trong các trụ sở, mà có thể mở rộng ra những khung cảnh dã ngoại gần gũi hơn với thanh niên. Nội dung sinh hoạt chi đoàn cần hướng vào các vấn đề thanh niên quan tâm như: Giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục an toàn, chấp hành an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Phùng Ngọc Anh, Bí thư Chi đoàn Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, nhiều trường ĐH hiện nay đào tạo theo tín chỉ nên rất khó tập trung đông người, vì thế cần khai thác tốt mạng xã hội và internet cho hoạt động Đoàn.
Yếu tố quan trọng nhất để có một chi đoàn mạnh đó là cần có bí thư chi đoàn giỏi. Ngoài có kỹ năng thu hút, tập hợp thanh niên, thì bản thân mỗi cán bộ đoàn phải có nhiệt huyết, hăng hái, tự trau dồi mọi mặt. Nhưng chính sách đãi ngộ hiện nay (phụ cấp 100 nghìn đồng/bí thư chi đoàn/tháng) khó đòi hỏi cán bộ tốt, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm cao như mong muốn.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà đã thẳng thắn thừa nhận "bức tranh hoạt động Đoàn của TP Hà Nội đang ở hình chóp ngược". Các hoạt động ở cấp trên thì phình to nhưng càng ở dưới cơ sở càng thu hẹp. Nguyên nhân một phần xuất phát từ ý thức đoàn viên, song một phần cũng do tổ chức Đoàn chưa có hoạt động hấp dẫn, thu hút được họ. Hội nghị gặp mặt 1.000 bí thư chi đoàn được ví như "bắt trúng bệnh để kê đơn thuốc". Hy vọng, với quyết tâm cao và những biện pháp thiết thực thực hiện được các đề xuất nêu trên, Thành đoàn Hà Nội sẽ tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi Thủ đô lên một bước mới trong nhiệm kỳ 2012-2017.