Dạy làm thầy và rèn thành thầy
Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 15/12/2012
Phổ thông “cần gì, có nấy”
Nhận xét của hầu hết giám hiệu các trường tiểu học, trung học cơ sở của thành phố là sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Hà Nội có năng lực nghiệp vụ tốt, đáp ứng nhanh yêu cầu của hoạt động giáo dục phổ thông. Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, chất lượng "sản phẩm" của đơn vị được đánh giá cao bởi giáo sinh được học tập, rèn luyện trong môi trường nghiêm túc, khoa học với yêu cầu cao về ý thức trách nhiệm và trình độ.
Một giờ học tại Trường CĐ Sư phạm Hà Nội. |
Luôn đón đầu nhu cầu thực tiễn của giáo dục Thủ đô, trường thường xuyên đổi mới, từ nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo cho đến tổ chức các hình thức đào tạo chất lượng cao. Cách đây hơn mười năm, trường đã có kế hoạch đổi mới nội dung chương trình đào tạo, lấy người học làm trung tâm, đào tạo sát với thực tế phổ thông. Đến nay, toàn bộ chương trình đào tạo của trường đã được chuyển sang hệ thống tín chỉ và là một trong các đơn vị đầu tiên trong số các trường CĐ của cả nước làm được việc này. Trường cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đào tạo, với 100% giảng viên tham gia. Nhờ đó, sinh viên khi tốt nghiệp không bỡ ngỡ với việc soạn giáo án điện tử và sử dụng có hiệu quả CNTT trong các giờ giảng. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng về ứng dụng CNTT cho hơn 4.000 giáo viên, cán bộ các trường phổ thông, các phòng giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên của Hà Nội và hàng nghìn giáo viên các địa phương khác. Để nâng cao chất lượng, từ năm học 2010-2011, trường đã xây dựng ngân hàng tiểu mục đề thi ở một số môn học nhằm tách khâu kiểm tra đánh giá ra khỏi khâu giảng dạy, bảo đảm sự khách quan trong đánh giá và nâng cao chất lượng dạy - học. Các khoa đã áp dụng nhiều hình thức thi phù hợp với mục đích đánh giá và đặc thù môn học.
Không chỉ chăm lo cho "sản phẩm" truyền thống, trường còn tổ chức đào tạo song ngữ (tiếng Anh) các môn toán, lý, hóa, sinh, địa, giáo dục tiểu học và xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo các lớp chất lượng cao, bắt đầu triển khai từ năm học 2012-2013. Các lớp đào tạo này đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn của giáo dục Thủ đô hiện nay.
Nghiên cứu phục vụ đào tạo
Trường đã xác định nghiên cứu khoa học (NCKH) là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên và kết quả nghiên cứu phải phục vụ cho công tác đào tạo. Cải tiến công tác quản lý khoa học, tăng kinh phí cho hoạt động này, khuyến khích các đề tài thiết thực và có khả năng ứng dụng cao, động viên cán bộ giáo viên tham gia các hội thảo quốc gia, quốc tế, viết bài cho các tạp chí uy tín trong và ngoài nước là những giải pháp mà trường áp dụng thành công trong nhiều năm qua.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Nhờ cách làm này mà 10 năm qua, 80 giáo trình đã được biên soạn và sử dụng chính thức; 230 đầu sách, hơn 500 bài báo, tài liệu nghiên cứu, bài viết hướng dẫn về chuyên môn, đổi mới về phương pháp, thẩm định băng đĩa hình sách giáo khoa phục vụ yêu cầu đào tạo của nhà trường và đổi mới ở phổ thông đã được xuất bản. Hai năm gần đây, số lượng các đề tài NCKH của giảng viên trong nhà trường tăng cả về lượng và chất, với 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp thành phố, 256 đề tài cấp trường, khoa, 31 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước". Sản phẩm trí tuệ và tâm huyết của gần 260 cán bộ, giảng viên, trong đó có 160 giảng viên với hơn 87% có trình độ trên ĐH, thực sự đã phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên cho Thủ đô.
Có thể khẳng định, thành tựu mà giáo dục Hà Nội đạt được trong mỗi giai đoạn đều có dấu ấn của "cỗ máy cái" này, nơi cung cấp hơn 90% số lượng giáo viên cho các nhà trường Thủ đô. Còn với Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, những đóng góp ấy là nền tảng vững chắc để tập thể cán bộ giáo viên tự tin trên con đường vươn tới danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động - danh hiệu mà họ đang nỗ lực thi đua để được ghi nhận trong suốt một năm qua và sẽ tiếp tục cố gắng trong một năm tới.