Cuộc “lên ngôi” ngoạn mục của hàng Việt
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 15/12/2012
Sản phẩm may mặc của Việt Nam ngày càng có uy tín ở thị trường trong nước. Ảnh: Bá Hoạt |
Hàng Việt Nam "lên ngôi"
Theo kết quả điều tra của Ban chỉ đạo TƯ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sau 3 năm triển khai cuộc vận động hàng Việt đã được người tiêu dùng (NTD) tín nhiệm. Hiện có khoảng 71% NTD tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao; có đến 90% NTD tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tại Hà Nội, con số này là 83%, trong đó 59% NTD "hài lòng". Ở nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày, có đến 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có hơn 58% NTD lựa chọn… Tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới mua sắm mà còn hấp dẫn đông đảo người dân láng giềng như Lào, Campuchia… Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp (DN) nhà nước, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80% đến 90%. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Big C có hơn 90%, Saigon Co.opmart với gần 250 siêu thị, cửa hàng, kinh doanh hơn 20.000 mặt hàng đạt tỷ lệ hơn 90%, riêng ngành hàng thực phẩm chiếm hơn 95%.
Một trong những điểm yếu của hàng Việt trong thời gian trước đây là mẫu mã đơn điệu. Để có thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, kích cầu tiêu dùng, thời gian qua nhiều DN đã chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Điển hình là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, DN đã chủ động đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, phục vụ phát triển sản xuất.
Củng cố, phát triển hệ thống phân phối
Tuy nhiên, thực tế việc vận động NTD đến với hàng Việt vẫn còn nhiều khó khăn. Về mặt quản lý nhà nước, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi đó, DN vẫn mang tư tưởng "bao cấp", chạy theo cơ chế "xin - cho", chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho NTD.
Không chỉ có vậy, theo phản ánh của Ban chỉ đạo CVĐ, tại nhiều địa phương, trong quá trình mua sắm công, vẫn còn tâm lý sính dùng hàng ngoại; một bộ phận người dân, nhất là những người có thu nhập cao, thích thời trang, hàng hiệu nhập ngoại. Ông Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, ở Vĩnh Phúc vẫn có tư tưởng chuộng hàng ngoại. Chẳng hạn, bàn ghế Xuân Hòa chất lượng cao không thiếu, giá cũng phù hợp, tuy nhiên nhiều cơ quan lại mua sắm bàn ghế Đài Loan.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai CVĐ tổ chức ngày 14-12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, CVĐ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhiều mặt đối với nền kinh tế. Thực tế, mục tiêu đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường là nhằm bảo đảm chất lượng của nền kinh tế, góp phần quan trọng thay đổi toàn diện định hướng phát triển các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TƯ của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ này. Đồng thời, cần xây dựng Chiến lược hành động quốc gia "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến năm 2020 song song với việc rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của WTO.
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, trong thời gian tới, các DN sản xuất, phân phối cần tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt. Nhiều đại biểu kiến nghị, để CVĐ đạt kết quả tốt hơn, các cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, đi đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt cũng như có chế tài để các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan nhà nước, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.