Một sự khởi đầu mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 15/12/2012

(HNM) - Ngày 14-12, thêm một dấu mốc quan trọng với Thủ đô Hà Nội khi Văn phòng Chủ tịch nước chính thức công bố Luật Thủ đô theo Lệnh của Chủ tịch nước số 27/2012/L-CTN ngày 3-12-2012, một sự khởi đầu mới về cơ sở pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của Hà Nội.

Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô ở kỳ họp vừa qua đã khẳng định được sự cần thiết phải ban hành luật. Các nhà làm luật, cùng với sự đóng góp ý kiến xây dựng của giới khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng với ý kiến của đông đảo nhân dân cả nước, đã mất hơn 3 năm để chuẩn bị, soạn thảo và hoàn chỉnh dự thảo luật. Một phần do vai trò quan trọng của một đạo luật riêng cho Thủ đô, nhưng phần quan trọng khác chính là các nhà làm luật, những chuyên gia đều tâm huyết, mong muốn làm kỹ để làm sao tạo điều kiện pháp lý tốt nhất cho Thủ đô phát triển bứt phá ở một tầm mức mới.

Trước khi có Luật Thủ đô, chúng ta đã có Pháp lệnh Thủ đô, tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh, đô thị hóa mạnh mẽ thì khung pháp lý của văn bản này đã không còn phù hợp. Thực tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong những năm qua đã phải gồng mình giải quyết nhiều vấn đề rất lớn, những khó khăn phát sinh từng ngày. Giờ đây, khi có Luật Thủ đô tức là có thêm những thuận lợi mới, thế nhưng cũng không có nghĩa là mọi khó khăn vướng mắc sẽ "tự động" được tháo gỡ. Mà ngược lại nếu chúng ta làm không tốt, không có kế hoạch bài bản, cụ thể, và đặc biệt nếu không có tinh thần trách nhiệm, sự ủng hộ của đông đảo nhân dân thì chính sách cũng khó đạt hiệu quả tối đa, mà thậm chí còn có thể bị lợi dụng.

Thông qua Luật Thủ đô, tức là Quốc hội đã trao cho Thủ đô Hà Nội cơ chế, chính sách để tạo dựng, nâng vị thế và tầm quan trọng cho "trái tim của cả nước". Trong luật đã quy định rất rõ những chính sách đặc thù để đầu tư, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên trong luật cũng quy định rõ trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội trên tinh thần "cả nước với Hà Nội, Hà Nội với cả nước", đòi hỏi trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân Hà Nội cũng cao hơn bao giờ hết. Thời gian qua đã có nhiều vấn đề dân sinh, xã hội còn vướng mắc như quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự... giờ đây có thêm cơ sở pháp lý thì các vấn đề trên cũng đòi hỏi phải được giải quyết tốt hơn.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, dù thế nào thì Luật Thủ đô cũng không phải là "cây đũa thần", luật mới chỉ là khung pháp lý cơ bản. Trước khi có hiệu lực vào ngày 1-7-2013, tới đây chúng ta sẽ còn phải thể chế hóa các khung pháp lý ấy, chuyển hóa chúng thành nhận thức. Để đưa luật vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đó là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của mỗi người dân.

Luật Thủ đô đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, HĐND, UBND TP Hà Nội cũng như các địa phương khác. Có những nội dung đòi hỏi Chính phủ phê duyệt, có nội dung yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với TP Hà Nội trình Chính phủ. Như vậy để luật đi vào cuộc sống thì cần sự phối hợp đồng bộ của toàn bộ hệ thống từ Trung ương đến Hà Nội và các địa phương khác.

Việc đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Hà Nội trong công cuộc kiến thiết Thủ đô ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", mà còn là điều kiện để người dân Hà Nội thể hiện trách nhiệm, là "chìa khóa" để Thủ đô vươn mình hội nhập và ngày càng khẳng định vị thế. Có luật, Thủ đô sẽ có cơ sở phát triển về quy hoạch nhanh hơn, có sự phát triển về hạ tầng tốt hơn và nhiều vấn đề khác tạo cho người dân cuộc sống đô thị tốt hơn.

Đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phải làm sao động viên được tất cả mọi người, dù là người sinh sống ở Hà Nội hay ở các nơi khác, đều có thể góp sức, góp phần xây dựng Thủ đô thực sự văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến.

Nữ Quỳnh