Bộ Giáo dục xem xét bỏ độc quyền sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 10:56, 14/12/2012
Ảnh minh họa
- Thưa Thứ trưởng, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị cho kế hoạch lớn là đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015. Công việc này đang đứng trước những khó khăn gì?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện nay, ta có lượng lớn giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới. Chuyện thừa thiếu không cân đối. Chế độ chính sách không đảm bảo. Sau đó là điều kiện dạy và học, thời lượng dạy của ta ít, thời gian các em sinh hoạt ở trường ít.
Để thực hiện đề án, Bộ đã và đang kiến nghị Đảng, Nhà nước cải thiện chính sách thu nhập, đánh giá công bằng, trả lương xứng đáng cho giáo viên. Bên cạnh đó các trường sư phạm phải đổi mới chương trình đào tạo,…
Các địa phương, các trường cũng phải chú trọng đào tạo theo nhu cầu. Ngành nghề nào cũng phải vậy. Hi vọng với quy hoạch nguồn nhân lực các ngành sẽ giúp giải quyết chuyện thừa thiếu không cân đối.
Giáo viên là người trực tiếp thực hiện đổi mới nếu không quan tâm đến họ sẽ thất bại.
- Như vậy là Bộ GD-ĐT có kế hoạch tập trung đổi mới con người trước?
Ta không nói cái gì trước, cái gì sau được. Nếu không đổi mới chương trình, SGK không có nhu cầu đổi mới con người. Nhưng không đổi mới con người không thực hiện được đổi mới chương trình, SGK.
Khiếm khuyết lớn của chúng ta khi quan tâm tới việc dạy học nhưng thiếu quan tâm khâu kiểm tra, đánh giá. Bộ đã nhận ra điều này và đang tích cực sửa trong một vài năm gần đây và thời gian tới. Hiện khoa học kiểm tra đánh giá của Việt Nam rất lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu.
- Tại hội thảo về đề án đổi mới diễn ra trong 3 ngày đầu tuần này, một số chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam có nói đến cần xây dựng một chuẩn chung và nhiều bộ SGK cho giáo viên. Ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, môn tiếng Anh đã có một chương trình và nhiều SGK. Hướng sắp tới là làm sao có chương trình chung nhưng nhiều bộ SGK khác nhau. Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá phê duyệt để các bộ sách trước khi các bộ sách được đưa vào sử dụng.
- Không ít chuyên gia, giáo viên cho rằng nếu thực hiện chương trình tích hợp sẽ gây khó khăn cho cả cô và trò?
Việc dạy tích hợp chắc chắn khó hơn, đòi hỏi giáo viên biết vận dụng năng lực hiểu biết, kiến thức rộng và tổng hợp. Nhưng đây là yêu cầu tất yếu, dù khó cũng phải làm. Song sẽ cố gắng dựa trên điều kiện của Việt Nam hiện nay sao cho khả thi nhất.
Tích hợp bản chất không phải là ghép môn. Ghép môn chỉ là cách làm tạo điều kiện cho làm tích hợp. Cách làm giúp giáo viên và học sinh có kiến thức hiểu biết tổng quát.
- Thay đổi việc dạy tích hợp có dẫn tới thay đổi trong giảng dạy ở các trường sư phạm hiện nay không, thưa ông?
Có chứ. Nhưng phải chờ chương trình phổ thông làm trước rồi mới tiến tới đào tạo tích hợp. Tích hợp thực ra là đào tạo năng lực để người học hiểu và vận dụng kiến thức một cách tổng hợp, không phải chuyện học nhiều hay ít. Đây là điều tất cả mọi người cần phải có, không riêng gì ngành sư phạm. Song giáo viên cần được chú trọng hơn.
- Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 chỉ còn khoảng 3-4 năm nữa sẽ đi vào thực tế. Khoảng thời gian còn lại có đủ đề hoàn thiện đề án?
Bộ đang tích cực làm công tác chuẩn bị. Nhưng phải ổn định mới triển khai. Sau 2015 không có nghĩa là 2015 hoặc 2016 sẽ làm luôn. Có thể sẽ không triển khai đồng loạt mà nơi nào đủ điều kiện sẽ làm trước. Nơi nào chưa đủ điều kiện làm sau.
Phải xây dựng chương trình phù hợp với thực tại nhưng cũng tính đến độ ổn định trong vài năm tiếp theo trong khi phải đảm bảo việc dạy và học, nâng cao dần đội ngũ giáo viên.
- Cảm ơn ông!