Nóng bỏng Đông Bắc Á
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 13/12/2012
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức xác nhận, vụ phóng tên lửa mang vệ tinh Quang Minh Tinh 3 từ trung tâm vũ trụ Sohae, sáng sớm 12-12, (7h49, giờ Việt Nam) diễn ra thành công. Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo đúng kế hoạch và khẳng định đây là sự kiện "đột phá" dành tặng cố lãnh đạo Kim Jong-Il nhân một năm ngày mất của ông...
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên “làm nóng” khu vực Đông Bắc Á.
Ngay lập tức, vụ việc đã gây phản ứng mạnh trong cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên như một "hành động khiêu khích", coi đây là "sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA)". Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tiếp tục theo dõi chặt chẽ vụ phóng cùng hướng bay của tên lửa về phía nam của bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đồng thời là Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor nêu rõ, vụ phóng tên lửa là hành động khiêu khích cao độ, đe dọa an ninh khu vực, vi phạm trực tiếp các nghị quyết 1718 và 1874 của HĐBA, đi ngược lại những nghĩa vụ quốc tế của Triều Tiên và phá hoại hệ thống không phổ biến vũ khí toàn cầu. Trong những ngày tới, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác tham gia đàm phán 6 bên, HĐBA và các nước thành viên của LHQ để có hành động phù hợp với CHDCND Triều Tiên…
Trưa 12-12, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngay lập tức ra sắc lệnh gồm 3 điểm sau sự kiện tên lửa của Bình Nhưỡng đi qua bầu trời Okinawa. Theo đó, các bộ liên quan của nước này cần liên tục thu thập, phân tích và cung cấp thông tin đầy đủ cho toàn dân nắm được diễn biến về vụ phóng và sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống bất trắc. Ngay trong ngày, Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Tsuneo Nishida cũng đã đề nghị Marocco, nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA cần triệu tập cuộc họp khẩn cấp, nhằm đưa ra phản ứng về vụ việc. Trung Quốc, ngày 12-12, cũng đã lên án Triều Tiên phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo...
Rõ ràng, vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng đã gây "sốc" trong cộng đồng quốc tế, bởi cách đây không lâu, KCNA cho biết kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên được lùi đến ngày 29-12, mở rộng thời hạn thêm một tuần so với dự định ban đầu (từ ngày 10 đến 22-12).
Trước đó, ngày 10-12, báo chí Hàn Quốc và phân tích không ảnh của các chuyên gia Mỹ đều chứng tỏ tên lửa đã được gỡ khỏi bệ phóng để khắc phục lỗi kỹ thuật. Thông tin trì hoãn vụ phóng khiến dư luận gỡ bỏ được phần nào gánh nặng và hy vọng vụ phóng tên lửa sẽ không diễn ra trước phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bởi ngay khi Bình Nhưỡng công khai thông tin về vụ việc - trùng thời điểm kỷ niệm một năm ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc (ngày 19-12) đang đến gần - khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về sự tăng nhiệt trên bán đảo Triều Tiên.
Dù được ra đa của một số quốc gia láng giềng phát hiện ngay khi tên lửa rời bệ phóng, vụ việc diễn ra vẫn là một bất ngờ với cộng đồng quốc tế, nhất là về thời điểm. Dẫu cho Bình Nhưỡng thông báo việc phóng tên lửa mang vệ tinh - sự kiện thứ hai trong năm sau vụ phóng không thành diễn ra hồi tháng 4 - nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nhưng Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều cho rằng đây chỉ là hành động để thử tên lửa đạn đạo, vi phạm lệnh cấm của LHQ được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân hai lần trong năm 2006 và 2009.
Cũng có luồng dư luận cho rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là nhằm củng cố vị thế của lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sau một năm nắm giữ quyền lực và gây sức ép với bên ngoài, buộc Mỹ phải nhượng bộ và nối lại viện trợ. Mặc dù tính xác thực của mục tiêu cũng như thông điệp sau vụ phóng vẫn chưa được khẳng định, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy, vụ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh Quang Minh Tinh 3 đã và đang “đốt nóng” từng ngày, không chỉ khu vực Đông Bắc Á.