Thị trường chứng khoán: Khó có sự bứt phá

Tài chính - Ngày đăng : 06:20, 13/12/2012

(HNM) - Trầm lắng kể từ những phiên đầu tiên của năm, đến nay thị trường chứng khoán (TTCK) dường như không có bất cứ một đợt "sóng" nào. Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm hiện nay, dự báo TTCK khó có sự bứt phá trong thời gian tới…

Nếu như trong phiên đầu tiên của năm 2012 (ngày 3-1), chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội đạt 56,79 điểm, còn sàn TP Hồ Chí Minh, VN-Index: 350 điểm, thì phiên giao dịch gần cuối năm (ngày 10-12), chỉ số HNX-Index: 52,71 điểm, VN-Index: 386,69 điểm. Nếu so sánh giữa phiên đầu năm và phiên sát cuối năm có thể thấy chỉ số HNX-Index chỉ biến động giảm nhẹ, còn VN-Index tăng gần 37 điểm. Tuy nhiên, những chỉ số này vẫn được coi là "lẹt đẹt" trên TTCK.

Các mã cổ phiếu chủ chốt đều mất giá, thị trường chứng khoán đã “rơi” xuống mức thấp. Ảnh: Huyền Linh


Nhìn lại thị trường trong gần một năm qua, có thể thấy "đỉnh" của năm được xác lập hồi đầu tháng 5, với HNX-Index đạt 83,79 điểm, còn VN-Index là 488,07 điểm. Sự hồi phục của thị trường trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 đã mang kỳ vọng cho giới đầu tư chứng khoán về chỉ số HNX-Index có thể cán mốc 100 điểm, còn VN-Index không khó để đạt ngưỡng 500 điểm. Tuy nhiên, kỳ vọng đó khó có thể đạt được khi TTCK lình xình trong suốt nửa cuối của năm 2012, kéo các chỉ số chứng khoán không ngừng trượt dốc. Từ mốc 83,79 điểm, HNX-Index để mất mốc 80 điểm, rồi 70 điểm, thậm chí cả 60 điểm trước sự ngỡ ngàng của không ít nhà đầu tư. Cái đích 500 điểm mà VN-Index chỉ cần một bước tăng từ 488,07 điểm nhưng khó có thể "chạm" đến, bởi chỉ số này cũng không thoát khỏi đà giảm chung của thị trường nên đã "rơi" xuống dưới ngưỡng 400 điểm.

TTCK không có "sóng", nhà đầu tư ít mặn mà, nên tính thanh khoản của thị trường thường xuyên ở mức thấp, chỉ có ít phiên thị trường có khối lượng giao dịch tăng đột biến. Đó là thời điểm được coi là "đỉnh" của thị trường vào đầu tháng 5, khi các chỉ số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến hết ngày 10-12, với khối lượng giao dịch đạt hơn 200 triệu đơn vị, giá trị quanh ngưỡng 3.000 tỷ đồng. Còn hầu hết những phiên khác trong năm, nhất là thời điểm cuối năm, khối lượng giao dịch của thị trường ở mức thấp, có phiên chỉ đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị gần 300 tỷ đồng trên cả hai sàn.

TTCK "rơi" xuống mức thấp là do hầu hết các mã cổ phiếu chủ chốt đều mất giá. Ngay cả những mã đã từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường, như các mã ngân hàng, bất động sản… cũng phá hết "đáy" này đến "đáy" khác. Có những mã cổ phiếu từng "leo" lên mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu, đến nay giá tụt chỉ còn dưới 1/10, thậm chí, có những mã cổ phiếu còn "rơi" xuống mức dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).

TTCK vốn chỉ hấp dẫn bởi có nhiều "sóng", nhưng diễn biến thị trường trong suốt gần một năm qua lại không như vậy. Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm khó khăn nhất với TTCK, bởi thị trường đón nhận những thông tin không khả quan. Đó là nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong nước ở mức cao, bị coi là "cục máu đông" làm tắc nghẽn nền kinh tế. Những thông tin này tác động mạnh tới tâm lý giới đầu tư. Đó là chưa kể kết quả kinh doanh không mấy tích cực của các doanh nghiệp trong nước cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư muốn từ bỏ TTCK để tìm đến một kênh đầu tư khác.

Bất chấp lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, thị trường bất động sản đóng băng, giá vàng trong nước quá cao so với thế giới để mua vào… nhà đầu tư vẫn không tìm đến TTCK vì dự báo thị trường này vẫn khó có thể thoát khỏi trầm lắng trong nhiều tháng tới. Hơn nữa, khi mà con số về những doanh nghiệp không minh bạch trong việc công bố báo cáo tài chính ngày càng nhiều thì lòng tin của giới đầu tư với thị trường không còn. Có chuyên gia cho rằng, TTCK đã không còn chỗ cho những người chạy theo đám đông, mà chỉ dành cho những nhà đầu tư có sự tìm hiểu kỹ. Mặc dù thị trường còn gặp khó khăn, song vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn, vì giá cổ phiếu đang ở mức thấp nên nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.

Thanh Nga