Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Xe++ - Ngày đăng : 07:55, 12/12/2012

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa ban hành thông tư quy định phương pháp xác định và chế độ báo cáo giá thành dịch vụ viễn thông, áp dụng từ đầu năm 2013.

Quy định về giá thành là cơ sở để Nhà nước làm tốt công tác quản lý thị trường viễn thông. Ảnh: Đức Anh


Từ năm 2008, thị trường viễn thông di động trong nước, chủ yếu là giữa VNPT và Viettel, liên tiếp có những cuộc "rượt đuổi" về giảm cước, các gói cước khuyến mãi với ưu đãi "khủng", hòa mạng sim mới trả trước với tài khoản nhân 3. Tất nhiên, người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng các DN nhỏ, DN mới gia nhập thị trường thì chẳng vui gì. Cũng ngay từ thời điểm này, dư luận cũng đặt ra vấn đề việc các nhà mạng chạy đua giảm cước sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho thị trường và có thể gây đổ vỡ thị trường viễn thông. Đầu năm 2010, tại cuộc họp tổng kết ngành do Bộ TT-TT tổ chức, sau khi quyết liệt chạy đua về giá, về khuyến mãi, lãnh đạo cả hai tập đoàn lớn VNPT, Viettel cùng phát biểu đề xuất Bộ nên có quy định về giá sàn, tránh tình trạng DN bán dưới giá thành.

Sau đề xuất này, cả hai tập đoàn cùng thực hiện một cuộc đua giảm cước (năm 2010) và cũng là đợt giảm cước di động cuối cùng tính cho đến thời điểm này. Tuy không giảm cước di động nữa, cả ba "đại gia" Viettel, Mobifone, Vinaphone cùng ưu đãi khách hàng trả trước bằng đợt miễn phí gọi nội mạng 10 phút và khuyến mãi giá trị thẻ cào khi có thời điểm nhà mạng tặng tới 170% giá trị thẻ nạp cho khách hàng. Nhưng, sau đó "gió đổi chiều", các nhà mạng nhỏ Vietnamobile, Beeline bắt đầu lên tiếng với việc đưa ra các chương trình ưu đãi còn gây sốc hơn như tặng 200-300% giá trị thẻ nạp; tiếp đến là các gói cước miễn phí gọi nội mạng. Điển hình là năm 2011, Beeline đưa ra gói "Tỷ phú 1" (sau đó đã bị Bộ yêu cầu ngừng và giải trình vì bán dưới giá thành)… Dư luận lại lên tiếng lo ngại rằng khi thị trường viễn thông đã bão hòa, nếu DN vẫn chạy đua đưa ra các gói cước gần như cho không thì thị trường viễn thông có nguy cơ đổ vỡ.

Cũng từ năm 2010, Bộ TT-TT đã tổ chức các cuộc họp chuyên môn bàn thảo việc xây dựng quy định về giá thành. Song, việc xác định giá thành lại không đơn giản. Vì, tuy các văn bản quản lý chuyên ngành đều xác định các dịch vụ viễn thông không được bán dưới giá thành, nhưng, như thế nào là giá thành và cách tính giá thành ra sao là vấn đề không nhỏ với quản lý nhà nước và DN. Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) cũng từng lý giải, các DN viễn thông Việt Nam có sự khác nhau về mức đầu tư, quy mô mạng lưới, thời gian hoạt động, sự khác nhau giữa các dịch vụ cung cấp… do vậy, cách xác định giá thành không đơn giản. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân mà phải khiến sau gần 3 năm, cơ quan quản lý nhà nước mới ban hành được quy định về cách tính giá thành. Theo thông tư về giá thành mới ban hành thì nguyên tắc xác định giá thành dịch vụ viễn thông được áp dụng theo phương pháp chi phí phân bổ toàn bộ đối với các dịch vụ viễn thông chưa hạch toán riêng; không bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông khi xác định giá thành dịch vụ. Căn cứ để xác định giá thành dịch vụ viễn thông là giá thành thực tế được xác định trong báo cáo tài chính năm của DN và sản lượng hoặc sản lượng quy đổi; giá thành kế hoạch được xác định dựa vào biến động giá dự kiến của các chi phí đầu vào, sản lượng dự kiến của từng dịch vụ cho năm kế hoạch…

Tuy vẫn còn có các ý kiến băn khoăn (chẳng hạn nếu tính cụ thể DN bị lỗ khi kinh doanh dịch vụ cố định vì doanh thu thấp…), nhưng việc đưa ra quy định về giá thành được coi là một thành công trong bối cảnh thị trường viễn thông hiện nay, sẽ tạo cơ sở để Nhà nước thực hiện quản lý giá, tránh những bất ổn cho thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Việt Nga