Hầm Chỉ huy tác chiến và những sự kiện đặc biệt

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:14, 12/12/2012

(HNM) - Trong các hoạt động kỷ niệm 40 năm chiến thắng


Căn hầm bí mật ở Hoàng thành Thăng Long

Hầm Chỉ huy tác chiến nằm ở đầu hồi phía tây nhà làm việc của Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) - một trong những công trình nổi trong Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Hầm có kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối, với ba lớp nóc, trong đó có hai lớp bê tông và ở giữa là lớp cát có thể chịu được bom nguyên tử, tên lửa. Mặc dù có quy mô nhỏ, đơn giản nhưng căn hầm này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta.


Những chiếc điện thoại liên lạc tại hầm Chỉ huy tác chiến sẽ được giới thiệu tới công chúng.

Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, từng làm việc 15 năm dưới hầm: Hầm Chỉ huy tác chiến được xây dựng từ giữa năm 1965 đến năm 1966. Năm 1967, hầm được gia cố vững chắc, được ngụy trang trên nóc bằng cách phá nham nhở nhà Cục Tác chiến, làm cho địch tưởng rằng ta đã hủy bỏ nhà làm việc của cơ quan tổng hành dinh. Đây là nơi làm việc 24/24 giờ của kíp trực ban tác chiến - bộ phận trọng yếu của Sở Chỉ huy BTTM. Kíp trực có nhiệm vụ trả lời Bác Hồ khi Người gọi điện thoại thông tin trực tuyến, theo dõi tình hình bảo vệ miền Bắc, tổ chức thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của BTTM. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, kíp trực ban tác chiến theo dõi chặt chẽ tình hình địch trên không, thông báo máy bay địch đang bay vào Hà Nội qua hệ thống loa đài nội bộ, ấn nút còi báo động phòng không nhân dân đặt trên nóc tòa nhà Quốc hội…

Là một trong những người làm việc dưới hầm, ông Văn Xuân Phi, Văn phòng Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) nhớ lại, tại đây, suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, các đồng chí trong BTTM, Bộ Quốc phòng… trực tiếp theo dõi, chỉ huy quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc tập kích đường không quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và vùng lân cận. Đặc biệt, ngày 18-12-1972, ban ngày hoạt động của máy bay trinh sát địch vẫn diễn ra theo quy luật, nhưng đến chập tối, bầu trời Hà Nội bình yên lạ thường. Trong lúc Hà Nội đang bình yên, 19h10, trực ban tác chiến tại hầm nhận được điện báo của đài ra đa từ Đô Lương (Nghệ An) phát hiện từng tốp B-52 đang bám theo đất Lào đi ngược về phía Bắc Việt Nam. Thấy tình hình nguy cấp, trực ban tác chiến điện báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng rồi xin được kéo còi báo động trước 5 phút so với quy định. Sau tiếng còi báo động ít phút, từng đoàn B-52 kéo đến làm rung chuyển Hà Nội. Song nhờ có sự chủ động, máy bay, tên lửa, pháo phòng không các cỡ đã chiến đấu kịp thời, tránh cho Hà Nội một cuộc oanh tạc hủy diệt. Những sự kiện kể trên chỉ là một vài sự kiện trong số rất nhiều sự kiện đáng nhớ gắn với hầm Chỉ huy tác chiến. Căn hầm này được sử dụng đến năm 1975.

Tái hiện chân thực lịch sử

Sau gần 40 năm đóng cửa, trang thiết bị của hầm Chỉ huy tác chiến đa phần bị hỏng. Hệ thống lọc gió, làm mát không còn hoạt động, đường điện bị cắt. Với mong muốn giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu, phục chế, sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh về hầm Chỉ huy tác chiến để trưng bày, mở cửa đón khách tham quan vào ngày 20-12 tới.

Ông Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm và di sản (Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội) cho biết: Đến thời điểm này, khâu chuẩn bị cho công tác trưng bày cơ bản hoàn tất. Toàn bộ không gian hầm Chỉ huy tác chiến, từ hệ thống vách, sàn gỗ, bản đồ bằng giấy đến tiêu đồ phòng không có đánh dấu đường máy bay B-52 đã được phục chế, 4 phòng thông tin được phục dựng nguyên mẫu. Ngoài ra, trung tâm đã sưu tầm, phục chế gần 200 tư liệu, hình ảnh, trang thiết bị dưới hầm thời chiến tranh. Phần trưng bày hầm Chỉ huy tác chiến sẽ được chia thành ba phòng như nguyên trạng: Phòng giao ban tác chiến, trực ban tác chiến và phòng trang thiết bị. Phòng giao ban tác chiến là nơi các đồng chí chỉ huy tác chiến làm việc, hội họp. Nơi đây sẽ được trưng bày dung dị, trang trọng với các hiện vật là đồ dùng, phương tiện chỉ huy, thông tin liên lạc kết hợp với phim tư liệu, hình ảnh, âm thanh, giúp cho khách tham quan hiểu sâu hơn về không khí làm việc căng thẳng, khẩn trương của cơ quan tác chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phòng trực ban tác chiến sẽ sử dụng hiện vật, tài liệu, hình ảnh phản ánh chân thực tình hình trực ban của cán bộ tham mưu và các chiến sĩ thông tin liên lạc… Quá trình sưu tầm hiện vật và tổ chức trưng bày đều có sự tư vấn của các nhân chứng.

Cùng với hầm D67 - phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ, hầm Chỉ huy tác chiến mở cửa đón khách tham quan sẽ góp phần giúp các thế hệ người Việt Nam cũng như khách quốc tế hiểu hơn về lịch sử dân tộc, đồng thời phát huy giá trị di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long như đã cam kết với UNESCO.

Đại tá Nguyễn Văn Tâm (nguyên Trưởng phòng Sở Chỉ huy, Cục Tác chiến):
Chiều tối ngày 18-12-1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Hiến Mai, Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng… đều có mặt tại hầm Chỉ huy tác chiến. 20h20, nhận được tin chính xác chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội tên lửa ta bắn rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, dân quân tự vệ đang lùng bắt giặc lái, mọi người vui mừng reo lên "B-52 rơi rồi". Giá lạnh giữa mùa đông dường như tan biến. Lúc B-52 đánh bom vào khu vực An Dương bên bờ sông Hồng, hầm Chỉ huy tác chiến bị đu đưa như võng nhưng không hề bị nứt hoặc biến dạng.

Khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài thốt lên: "Chiến công này dâng Bác". Ai cũng khâm phục Bác Hồ tài giỏi, tiên đoán chính xác.

Đại tá Trần Độ (nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp):

Trong cuộc đánh trả chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, tại hầm Chỉ huy Cục Tác chiến luôn có khoảng 10 người trực 24/24 giờ. Ngồi giữa thường là Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng hoặc Cục phó Cục Tác chiến. Trực ban trưởng ngồi cạnh cầm máy nói, sẵn sàng ra lệnh báo động hoặc báo yên thành phố. Phó trực ban trưởng cầm máy liên lạc với Cục 2 (Cục Tình báo - BTTM) và Phòng không - Không quân, sẵn sàng viết tin lên bảng. Ngoài ra, còn hai - ba sĩ quan tăng cường liên lạc với các quân khu. Mọi mệnh lệnh do Phó Tổng Tham mưu trưởng hạ đạt.

Hầm được trang bị 28 máy điện thoại, trong đó có một máy liên lạc với Bác Hồ (đến năm 1969 thì thôi), một máy liên lạc với Tổng Bí thư Lê Duẩn, một máy liên lạc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Kết thúc một ngày đánh không quân địch, trực ban trưởng có trách nhiệm làm báo cáo tổng hợp, Phó Tổng Tham mưu trưởng duyệt, báo cáo bằng văn bản gửi Văn phòng TƯ và Chính phủ, sau đó Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) đưa tin trên đài.

Minh Ngọc