TP Hồ Chí Minh: Năm 2013, thị trường lao động tiếp tục khó khăn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 12/12/2012
Năm 2012, do tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, một số DN phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể. Lao động thất nghiệp gia tăng, cùng với xu hướng "nhảy việc" khiến mức bình quân biến động khoảng 20% tổng số lao động đang làm việc tại các DN (năm 2011 là 30%). Đáng lưu ý, cùng với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng không mấy sáng sủa. Cụ thể, hàng loạt DN trong ngành kiến trúc - xây dựng tạm ngưng hoặc ngừng hoạt động, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này giảm gần 50% so năm 2011, trong khi tỷ lệ người lao động trong ngành kiến trúc - xây dựng thất nghiệp khá cao. Số chỗ làm việc trống chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tìm việc làm ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.
Trước những diễn biến phức tạp trong năm 2012, FALMI nhận định, thị trường lao động thành phố năm 2013 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ gây ra nhiều nghịch lý và biến động trên thị trường.
Qua khảo sát và cập nhật thông tin nhu cầu nhân lực của 27.247 DN trên địa bàn, FALMI dự báo TP Hồ Chí Minh cần khoảng 270.000 chỗ làm việc, trong đó 140.000 chỗ làm việc mới trong năm 2013. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các ngành nghề, như: nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn - bảo hiểm, cơ khí, xây dựng… Riêng trong quý I-2013, thành phố cần lượng lớn lao động phổ thông (43%) cho các ngành sản xuất, chế biến như: Dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc thường trực FALMI ) cho biết, dù nhu cầu việc làm của năm 2013 khá lớn, tuy nhiên, nhiều người tìm việc lại không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm một số công việc. Trong số này, các ngành nghề bị tác động nhiều nhất là nhóm ngành tài chính - ngân hàng, cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, quản lý điều hành và hoạt động kinh doanh của DN. Đáng lưu ý, tình trạng người thất nghiệp (trung bình 5%) được cảnh báo sẽ tiếp tục gây khó khăn không nhỏ đối với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Cụ thể, dự báo chỉ có khoảng 50% sinh viên - học sinh sau khi được đào tạo có việc làm phù hợp năng lực, còn lại phải làm việc trái ngành nghề, với mức thu nhập thấp. "Nguyên nhân một phần là do những hạn chế trong công tác quản lý về nguồn nhân lực, đặc biệt là chưa dự báo chính xác nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giao dịch thị trường lao động, như tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động,…", ông Tuấn nhận định.
Cùng với dự báo về thị trường lao động trong năm 2013, FALMI cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể như huy động sự tham gia của tất cả các ngành, đoàn thể xã hội, cơ quan quản lý nhà nước, DN, trường đào tạo và xã hội vào công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời hạn chế nghịch lý mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề. Đặc biệt là chú trọng hỗ trợ, phát triển DN vừa và nhỏ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống để thu hút nhiều lao động.