Mái nhà chung của cựu quân nhân

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 11/12/2012

(HNM) - Cựu quân nhân (CQN) là những người hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Đây là lực lượng đã được tôi luyện trong môi trường quân đội, hầu hết có kỷ luật và hoài bão.

Cựu quân nhân xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) tham gia phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Bá Hoạt


Những năm qua, Hội CCB các cấp của TP Hà Nội đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập CLBCQN. Địa phương thành công trong việc thành lập và duy trì mô hình CLBCQN có thể kể đến là xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức). Năm 2005, từ 2 CLB với 41 thành viên được ra mắt, chỉ 6 tháng sau, toàn xã đã phát triển được 10 CLB với 195 thành viên (chiếm 73% tổng số bộ đội xuất ngũ trong xã). Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, đến nay 11 thôn của xã Phù Lưu Tế đều có CLBCQN với 205 thành viên tham gia. Để tạo chất kết gắn giữa các thành viên với nhau, CLB thường xuyên tổ chức gặp mặt sinh hoạt nhằm động viên anh em phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động của làng, của xã... Trên tinh thần "tự nguyện, tự quản, tự trang trải", các CLBCQN của xã Phù Lưu Tế đã huy động được 150 triệu đồng bằng sự tự nguyện đóng góp của các thành viên và đã có 100 lượt CQN được vay vốn phát triển kinh tế.

Quận Hoàng Mai cũng có nhiều thành công trong việc thành lập CLBCQN. Với sự tích cực của Hội CCB, đến nay, quận Hoàng Mai đã thành lập được 115 CLBCQN, thu hút 1.500 thành viên tham gia. Các CLBCQN đã vận động, tập hợp hội viên, động viên CQN giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các CLBCQN tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động ở địa phương như phòng, chống lụt bão, tham gia bảo đảm an ninh trật tự, ATGT, phòng chống ma túy, tội phạm... và đã có 300 CQN tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, đội dân phòng…

Được thành lập phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo bộ đội xuất ngũ, mô hình CLBCQN trên địa bàn liên tục phát triển. Đến nay, toàn Hà Nội đã có 2.621 CLBCQN với tổng số 99.718 CQN tham gia sinh hoạt. Những lợi ích trong việc duy trì CLBCQN đã thể hiện rất rõ, tuy nhiên, một thực tế cho thấy là chỉ nơi nào có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì nơi đó CLBCQN mới hoạt động hiệu quả. Dù là hoạt động trên tinh thần "tự nguyện, tự quản, tự trang trải" nhưng để các CLBCQN mới phát triển ổn định, bền vững đáp ứng yêu cầu đang đặt ra vẫn cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Vẫn còn những trường hợp CLBCQN ra đời nhưng hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, ảnh hưởng đến việc vận động CQN vào CLB. Nguyên tắc hoạt động của CLBCQN là tự nguyện, mọi chi phí đều do thành viên đóng góp nên ở một số địa bàn khó khăn thì điều kiện duy trì hoạt động và thu hút thành viên cũng hạn chế theo...

Hằng năm, Hà Nội có hàng ngàn bộ đội xuất ngũ, đây cũng chính là lực lượng dự bị động viên quan trọng của quân đội. Ngoài những đợt tập trung huấn luyện dự bị động viên, những CQN này cần được tập hợp, sinh hoạt thường xuyên để giữ vững và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng và phát triển đất nước. Các hội CCB cơ sở thành lập được các CLBCQN đều mong muốn cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm hơn nữa đến tổ chức này; hỗ trợ các CLBCQN hoạt động thông qua việc tạo điều kiện cho CQN đảm nhiệm các công trình, phần việc tại địa phương vừa tạo việc làm, vừa có nguồn kinh phí hoạt động; bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần bổ sung chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ. Phát huy vai trò hoạt động của lực lượng này chính là nền tảng để xây dựng phong trào quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Nguyên Hoa