Đòn phủ đầu đánh B-52 của Không quân Việt Nam
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:50, 11/12/2012
Đến nay vẫn còn ít người biết rằng trước đó hơn một năm, Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã loại khỏi vòng chiến đấu một chiếc B-52 Mỹ. Người phi công lập nên chiến công ấy là Vũ Đình Rạng, quê Thái Bình.
Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại giây phút lịch sử bắn hạ B-52 của Mỹ.
Đầu năm 1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Không quân chuẩn bị lực lượng đánh B-52. Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức một tổ nghiên cứu cách đánh B-52 do Trung tá Nguyễn Nhật Chiêu, Anh hùng phi công đã bắn rơi 6 máy bay địch vào Quân khu 4 nghiên cứu quy luật hoạt động của B-52, sau 10 ngày, tổ đã "nhìn" thấy địch. Đến cuối năm 1969, cách đánh B-52 về cơ bản đã hình thành. Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Sao Đỏ) được giao nhiệm vụ tiếp nhận các phi công ưu tú nhất để thành lập phi đội bay đêm, sẵn sàng làm nhiệm vụ tiêu diệt B-52. Phi đội ưu tú ấy có Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân, Hoàng Biểu, Nguyễn Văn Quang, Đặng Xây.
Bay đêm đòi hỏi kỹ thuật bay rất cao. Bay ngày còn có thể quan sát địa hình và các tình huống trên không bằng mắt, bay đêm chỉ dựa vào các thiết bị trong buồng lái, phi công phải thao tác thành thục, chính xác, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Địa hình Quân khu 4, nơi B-52 địch thường xuyên đánh phá dài và hẹp, một bên là biển, một bên là dãy Trường Sơn, nếu bay cao chỉ cần tăng tốc là vọt ra biển, trở thành mục tiêu của rada trên hạm tàu địch và chúng sẽ lập tức phóng tên lửa. Còn bay thấp, tránh được rada địch lại dễ mất an toàn do vướng đồi núi. Phi đội bay đêm phải luyện tập rất công phu, tỉ mỉ các phương án đánh B-52, cứ 5 giờ chiều lại bí mật bay vào sân bay Vinh và sân bay Anh Sơn phục kích chờ địch.
Sau hội nghị chuyên đề về cách đánh B-52 vào tháng 10-1971, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức hai sở chỉ huy tại mặt trận. Sở chỉ huy trung tâm, bí danh B3 đặt tại huyện Yên Thành, Nghệ An do Đại tá Tư lệnh Binh chủng Không quân Đào Đình Luyện trực tiếp chỉ huy. Sở chỉ huy tiền phương, bí danh B8 do hai Phó Tư lệnh, Thượng tá Trần Mạnh và Trung tá Trần Hanh chỉ huy đặt tại thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Kíp sỹ quan dẫn đường là những chuyên gia giỏi: Đại úy Nguyễn Văn Chuyên, Trung úy Tạ Quốc Hưng, Trung úy Trần Hồng Hà. Đại đội rada dẫn đường 41 đặt tại Pháp Kê, cách thôn Đông Dương khoảng 3km, do sỹ quan dẫn đường mặt hiện sóng Thượng úy Lê Thiết Hùng điều khiển.
Đêm 4-10, phi công Đinh Tôn được lệnh xuất kích, anh đã gặp B-52 nhưng điều kiện không thuận lợi nên phải quay về. 17h00 ngày 20-11-1971, hai phi công Hoàng Biểu và Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc, bay ở độ cao cực thấp vào Khu 4 trực chiến. Đợt đầu, Hoàng Biểu cất cánh từ sân bay Vinh, được rada dẫn đường tiến về hướng B-52, nhưng địch đánh hơi có MiG-21 nên chuyển hướng bay, Hoàng Biểu phải về hạ cánh tại sân bay Sao Vàng. 20h10 phút đêm 20-11-1971, trinh sát Quân chủng thông báo có B-52 xuất hiện. Đại tá Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện từ B3 trao đổi với Thượng tá Phó Tư lệnh Trần Mạnh tại B8 rồi ra lệnh cho Vũ Đình Rạng xuất kích. Từ sân bay Anh Sơn, én bạc MiG-21 do Vũ Đình Rạng điều khiển cất cánh, theo hướng dẫn của các đơn vị rada 290, 291, 293 bay dọc dãy Trường Sơn theo hướng đông nam vào trận. Cùng lúc đó, một tốp 3 chiếc B-52 đã vượt qua sông Mekong từ hướng tây bay vào hòng ném bom đánh phá đường 20 Quảng Bình. Chúng chủ quan cho rằng MiG-21 chỉ có thể xuất kích một lần. Vũ Đình Rạng cho máy bay bay ở độ cao 1.000m trên địa hình núi non hiểm trở để tránh rada địch phát hiện. Anh liên tục được các đài rada mặt đất thông báo tình hình địch. Khi B-52 cách 60km, Sở chỉ huy lệnh cho anh vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ lên 950km/h. 20h54 phút, Rạng được lệnh bật tăng lực, kéo lên độ cao 10.000m. Cự ly mục tiêu rút ngắn dần. Khi sỹ quan dẫn đường Lê Thiết Hùng thông báo địch cách 15km, Rạng mở rada, ngay lập tức phát hiện tốp 3 chiếc B-52 bay theo đội hình bậc thang, chiếc gần nhất cách 5km, chiếc xa nhất cách 11km, mục tiêu to, rõ, màn hình không có nhiễu. Vũ Đình Rạng báo cáo sở chỉ huy xin công kích. Lúc này chiếc MiG-21 bay thấp hơn B-52 địch 500m, anh vừa bám sát, chỉnh điểm ngắm vừa tăng tốc độ lên 1.400km/h, vừa tăng độ cao, vượt qua hàng rào các loại máy bay tiêm kích của địch, cưỡi lên lưng B-52, ngắm chiếc đi đầu. Cự ly còn dưới 3km, Rạng ấn nút "bám sát". Khi con ngoáo ộp B-52 còn cách chưa đầy 2km, anh nhấn nút phóng. Quả tên lửa cựa mình rời khỏi giá treo, lao vút về phía máy bay địch. Chiếc B-52 chuệnh choạng, bốc lửa rồi mất hút trong màn đêm. Vũ Đình Rạng kéo cần lái thoát ly, tăng cao để quan sát và trở về, hạ cánh an toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử Không lực Hoa Kỳ, một pháo đài bay B-52 bị không quân đối phương loại khỏi vòng chiến đấu.
Do chiếc B-52 này không bị rơi tại chỗ nên chúng ta không đưa vào thống kê. Sau này, trong một lần đối thoại với nguyên sỹ quan dẫn đường ở Sở chỉ huy B3 Lê Thành Chơn, viên Thiếu tá không quân, nhà văn Mỹ F.Wantterhahn, nguyên là phi công có 180 lần bay vào vùng trời miền Bắc đã nói rõ về số phận chiếc B-52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng. Nó bị thương nặng, thủng thùng dầu bên trái, hỏng một động cơ, không thể bay về căn cứ, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhon Phanom trên đất Thái Lan, sau đó bị tháo rời đưa về sân bay Utapao và không thể khôi phục lại, buộc phải xóa tên khỏi biên chế lực lượng máy bay chiến lược của Không quân Mỹ.
Viện Bảo tàng Bay Hoa Kỳ tại Washington có trưng bày cuốn sách "Không chiến trên bầu trời Bắc Việt", NXB Squadron của tác giả Istvan Toperczer, ghi nhận 3 phi công Việt Nam bắn rơi B-52 là Rạng, Tuân, Thiều. Sách "Quân chủng Phòng không - Biên niên sự kiện 1953-1998" xuất bản năm 2000 có ghi sự kiện Vũ Đình Rạng bắn B-52 đêm 20-11-1971.
Trận đánh của Vũ Đình Rạng khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và tinh thần cách mạng tiến công của Không quân nhân dân Việt Nam, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Trước một kẻ địch có vũ khí trang bị hiện đại, đối diện với "siêu pháo đài bay" B-52, niềm tự hào của Không lực Hoa Kỳ, Bộ đội Không quân ta đã tìm ra cách đánh hiệu quả nhất để tiêu diệt B-52. Đó là bay thấp tiếp cận địch, bất ngờ tăng tốc vượt qua hàng rào các loại máy bay chiến thuật bảo vệ, chiếm lĩnh độ cao, cưỡi lên lưng B-52 mà giáng đòn trừng phạt. Chiến thuật này còn làm cho đội hình địch rối loạn, vén nhiễu cho Bộ đội Tên lửa nhìn rõ mục tiêu để tiêu diệt.
Có thể ví trận đánh đêm 20-11-1971 như đòn phủ đầu của Không quân ta khiến địch choáng váng, để đến trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đã giáng đòn quyết định, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, hạ gục biểu tượng sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ.