Tăng cường đối thoại chính sách, hướng tới phát triển bền vững
Bất động sản - Ngày đăng : 06:45, 11/12/2012
(HNM) - Ngày 10-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề "tạo lập nền tảng cho phát triển bền vững", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự hội nghị. Một nét mới của sự kiện lần này là các đại biểu không nhấn mạnh con số viện trợ ODA mà tập trung trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012, mục tiêu năm 2013 và đối thoại chính sách vì sự phát triển của Việt Nam…
Từ nguồn vốn ODA đường trên cao đoạn bắc Linh Đàm - Mai Dịch đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, kinh tế Việt Nam năm 2012 chịu ảnh hưởng của sự biến động, bất lợi từ kinh tế thế giới, cùng với những điểm yếu xuất phát từ nội tại đã dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đó là tình trạng doanh nghiệp (DN) tồn đọng sản phẩm; khó tiếp cận nguồn vốn; chi phí đầu vào tăng cao; nhiều DN đình đốn, rút khỏi thị trường; đời sống một bộ phận người lao động gặp khó hoặc mất việc làm… Kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc, một số chỉ tiêu vĩ mô chưa đạt kế hoạch, tổng dư nợ tín dụng tăng thấp, thị trường bất động sản và chứng khoán trầm lắng.
Tuy nhiên, Chính phủ đã tập trung điều hành một cách linh hoạt, hướng tới sự tăng trưởng hợp lý, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tỷ lệ lạm phát cả nước dự báo chỉ là 7,5%, lãi suất ngân hàng đang giảm dần, cơ cấu tín dụng chuyển biến theo hướng ưu tiên cho nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu và hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tỷ giá cơ bản ổn định. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 114,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm ngoái và là thành tựu quan trọng của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 5,2%, tuy thấp hơn kế hoạch (từ 6 đến 6,5%) nhưng quý sau cao hơn quý trước và thu nhập bình quân hiện đạt 1.540 USD/người/ năm trong khi tỷ lệ hộ nghèo là 10%, giảm 1,76% so với năm ngoái. Hiện, Chính phủ đang triển khai việc tái cơ cấu DN nhà nước, hệ thống tín dụng-ngân hàng và đầu tư công.
Chính phủ xác định năm 2013, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 5,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng 8%, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động... thông qua một số giải pháp chủ yếu. Đó là, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho bằng phương thức tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, trong đó ưu tiên xuất khẩu, giảm chi phí sản xuất. Tiếp theo là giải quyết tình trạng nợ xấu một cách quyết liệt, kết hợp xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó là việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thông qua mở rộng cho vay để mua nhà, rà soát các dự án để phân loại, xử lý. Đồng thời đẩy mạnh các bước đột phá gắn với việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.
Hầm đường bộ Kim Liên, Hà Nội là một trong những công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Lê Tuấn |
Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt một số thành công trong năm 2012, nhất là sự tăng trưởng hợp lý và ổn định xã hội. Song, nền kinh tế cũng bộc lộ những điểm yếu cần sớm khắc phục, gồm: nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, sức cạnh tranh của DN suy giảm... Từ đó cần có sự chuyển đổi rõ ràng, tập trung nguồn lực cho tăng trưởng theo chiều sâu; nâng cao chất lượng để tránh bẫy thu nhập trung bình. Trong chiến lược trung hạn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách đúng đắn và hành động, nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa nền kinh tế phát triển theo mô hình năng suất - chất lượng và giá trị gia tăng cao, tạo dựng vị thế mới. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động minh bạch hóa thông tin và chính sách, có định hướng khai thác, sử dụng quỹ đất hiệu quả cũng như dành nhiều cơ hội cho DN dân doanh tham gia thị trường. Bà Victoria cho biết, từ nay về sau, sự kiện này sẽ mang tên là Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam thay tên cũ là Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ; đồng thời nội dung chính sẽ là đối thoại, trao đổi về chính sách giữa các bên để tăng cường hợp tác, sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ dồn lực cho phục hồi đà tăng trưởng, tiếp tục kiềm chế lạm phát, từng bước chuyển dịch và tái cơ cấu kinh tế, hướng tới mục tiêu CNH-HĐH. Trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như đẩy mạnh giao thương quốc tế. Việt Nam cam kết sử dụng vốn vay đúng mục tiêu cũng như thúc đẩy tốc độ giải ngân. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trở thành nước có thu nhập trung bình và gặt hái kết quả ấn tượng trong xóa đói giảm nghèo. Tuy còn gặp khó khăn nhưng Chính phủ quyết tâm từng bước tháo gỡ, khơi thông và sử dụng các nguồn lực hợp lý, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Việt Nam cũng chủ động sử dụng các nguồn ODA sao cho tương xứng với tầm quan trọng của nó, kết hợp với nguồn lực trong nước, khuyến khích mô hình hợp tác công-tư trong đầu tư…
Kết thúc hội nghị, các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam tổng mức ODA là 6,485 tỷ USD và không thông báo số vốn của từng đối tác cụ thể. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đây là mức vốn khá cao xét trong tình hình kinh tế quốc tế đang suy giảm, bản thân nhà tài trợ cũng đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam coi ODA là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho các chương trình/dự án phục vụ cộng đồng, xây dựng hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo… Việt Nam đánh giá cao và sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp, gợi ý từ phía nhà tài trợ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để phát triển bền vững. |