“Bắt mạch” du lịch Việt Nam
Du lịch - Ngày đăng : 06:36, 11/12/2012
Nâng cao chất lượng dịch vụ là yêu cầu cấp thiết của ngành du lịch hiện nay. Ảnh: Khánh Nguyên |
Tăng trưởng thiếu bền vững
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012, du lịch vẫn được coi là điểm sáng với việc đã đón khoảng 6,7 triệu lượt khách quốc tế (tăng 11%), phục vụ 32,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 7%), tổng thu doanh thu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2011). Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ VH, TT& DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, dù tăng trưởng với tốc độ tương đối cao trong 3 năm qua nhưng sự phát triển của du lịch Việt Nam chưa bền vững, thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là khả năng cạnh tranh còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Sự thể có nhiều nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, việc quy hoạch nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch chưa tốt, dẫn tới nhiều tài nguyên bị hủy hoại, đặc biệt là du lịch sinh thái biển. Chưa có sự kết nối giữa các địa phương trên cùng vùng miền, tư duy "mạnh ai nấy làm" không chỉ gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên… Chưa kể tính cục bộ địa phương thể hiện dưới nhiều hình thức như quyết định tăng giá vé tham quan mà không tham khảo ý kiến rộng rãi của tỉnh Quảng Ninh đã gây phiền toái cho doanh nghiệp lữ hành. Chủ trương tăng phí cấp visa từ 25 USD lên 45 USD kể từ ngày 1-1-2013, trong khi xu hướng miễn phí visa đang ngày càng phổ biến ở nhiều nước cũng là một vấn đề… Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói: Ai cũng kêu gọi doanh nghiệp du lịch giảm giá phòng, giá xe, giá ăn uống… nhưng lại chưa quan tâm đúng mức trước đề nghị chính đáng về chính sách ưu đãi để đẩy mạnh kích cầu. Giá xăng, giá điện, nước, giá thuê đất… liên tục tăng. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, trong từng địa phương không tốt, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá, để lại hệ lụy xấu. Kết quả là trong khi giá tour nước ngoài luôn ổn định, chương trình tour phong phú, hấp dẫn, có nhiều giá trị tăng thêm cho khách thì giá tour nội liên tục tăng, chương trình nhàm chán, sao chép của nhau… Trong bối cảnh ấy, hỏi làm sao kích cầu du lịch hiệu quả? Làm sao có thể phát triển bền vững?
Theo Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Hoa Lệ, Nhà nước nên có chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu xe, giảm thuế đất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phục vụ du lịch, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tại những vùng sâu, vùng xa giàu tiềm năng du lịch để có thêm điều kiện thu hút, giữ chân du khách.
Ngổn ngang bất cập
Bức tranh của ngành "công nghiệp không khói" trong thời gian qua bộc lộ không ít bất cập. Công tác quản lý ngành và sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa cho thấy hiệu quả cần thiết, thể hiện rõ qua việc môi trường du lịch có chiều hướng đi xuống khá sâu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ "nhái" thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng; hướng dẫn viên của các công ty "móc" với nhau để "bán" khách, làm giảm lòng tin ở họ. Theo đánh giá chung, trình độ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đang ở mức thấp và nhiều người vẫn nhớ câu chuyện buồn kể một hướng dẫn viên đã "phóng miệng" giải thích cho du khách về chiếc cửu đỉnh trong Đại Nội Huế, nói rằng đó là… vật dụng chứa nước. Tình trạng lừa đảo, cướp giật, chèo kéo, ép khách, ô nhiễm môi trường… tại nhiều địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm về du lịch đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh điểm đến. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cảnh báo: "Đây là vấn đề đáng báo động, không xử lý kiên quyết thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam, làm suy giảm lượng khách đến nước ta. Chính sách bảo vệ môi trường du lịch phải trở thành chủ trương lớn, không thể tách rời chiến lược phát triển du lịch Việt Nam".
Nan giải bài toán xúc tiến du lịch
Quy mô xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam hiện quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực. Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, ở nhiều nước, khi lượng khách gia tăng thì ngân sách dành cho xúc tiến, quảng bá cũng tăng theo. Ở nước ta thì ngược lại, doanh thu từ du lịch liên tục tăng trong 3 năm trở lại đây nhưng quỹ xúc tiến thì "teo lại" - năm 2010 là 40 tỷ đồng, đến năm 2011 giảm còn 35 tỷ và năm 2012 chỉ có 30 tỷ đồng (tương đương 0,25 USD/khách trong khi ở Thái Lan, Singapore là 10-15 USD/khách). Mặt khác, đến nay ngành du lịch vẫn chưa mở được văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Tuy nhiên, với xúc tiến, quảng bá du lịch, vấn đề không chỉ là có nhiều tiền, mà còn phụ thuộc vào cách thực hiện. Cần phải trả lời được câu hỏi đâu là thứ làm nên sự khác biệt của du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để xúc tiến du lịch hiệu quả cần phải tiến hành xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia càng nhanh càng tốt; muốn thế, phải xác định trọng tâm thương hiệu quốc gia. Chọn chủ đề nào và lấy thương hiệu gì thể hiện sự độc đáo riêng có? Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, ẩm thực Việt Nam là thế mạnh có sức hút rất lớn đối với khách quốc tế, nhiều món như phở, nem cuốn, nem rán... thường xuyên nằm trong top món ăn hấp dẫn nhất thế giới. Có thể coi đó là trọng tâm thương hiệu du lịch quốc gia?
Du lịch Việt Nam rõ ràng là đang đối diện với quá nhiều bài toán khó giải.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành du lịch phát huy thế mạnh về văn hóa và con người trong việc xây dựng thương hiệu. Ngành du lịch cần quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho du khách, các doanh nghiệp phải đồng hành với Nhà nước trong việc quảng bá hình ảnh du lịch. Đến quý I-2013, ngành du lịch phải trả lời dứt điểm có mở văn phòng đại diện không. "Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" sẽ được phê duyệt trước ngày 20-12, sau đó Bộ VH, TT& DL tổ chức triển khai tới các địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường các loại hình du lịch hấp dẫn... |