Bảo đảm thực chất, khách quan
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 11/12/2012
Nâng cao chất lượng bộ phận “một cửa” sẽ góp phần đưa nền hành chính đến gần người dân. Ảnh: Thái Hiền |
Coi trọng đánh giá khách quan
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc áp dụng thí điểm PAR Index thời gian qua đã giúp các bộ, tỉnh nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ và tầm quan trọng của công tác theo dõi, đánh giá CCHC. PAR Index có thang điểm 100, phương pháp đánh giá gồm: tự đánh giá của cơ quan hành chính và đánh giá thông qua điều tra xã hội học (đánh giá khách quan). Việc lấy ý kiến đánh giá khách quan đã tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xã hội có cơ hội thể hiện quan điểm, cảm nhận của mình về chất lượng CCHC. Trên thang điểm 100, kết quả đánh giá khách quan đối với cấp bộ chiếm 40/100 điểm; cấp tỉnh là 35/100 điểm. Các đối tượng được điều tra, khảo sát gồm 5 nhóm: cán bộ lãnh đạo, quản lý; người dân, DN; tổ chức chính trị-xã hội; đại biểu HĐND cấp tỉnh; đại biểu Quốc hội và các ban của Đảng. Phiếu điều tra, khảo sát từ 5 nhóm đối tượng đánh giá khách quan cho thấy, với 3 bộ thí điểm, kết quả thực hiện CCHC mới chỉ đạt mức độ trung bình, không có sự chênh lệch lớn giữa các bộ. Bộ NN&PTNN được 24,30 điểm; Bộ Công thương được 23,90 điểm; Bộ TN&MT được 23,32 điểm.
Tuy nhiên, khi tách ra và so sánh kết quả điều tra, khảo sát của từng nhóm đối tượng thì có nhiều sự khác biệt. Các tổ chức chính trị - xã hội đánh giá kết quả CCHC ở các bộ khá thấp. Trong khi đó, đối tượng lãnh đạo, quản lý cấp vụ lại đánh giá kết quả CCHC ở bộ mình tương đối cao. Đặc biệt, người dân và DN đánh giá về kết quả CCHC ở Bộ TN&MT thấp nhất. Bộ NN&PTNT được các DN và ĐBQH đánh giá cao. Đối với cấp tỉnh, thành phố, các nhóm đối tượng được điều tra, khảo sát cho rằng việc lãnh đạo, quản lý đánh giá về kết quả CCHC của tỉnh, thành phố là thấp. Trong 6 tỉnh, thành phố áp dụng thí điểm (Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Thái Bình, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh), chỉ có TP Cần Thơ là đơn vị có chỉ số đánh giá của người dân, DN cao nhất.
Phương án hoàn thiện bộ chỉ số
Hoạt động điều tra, khảo sát ý kiến của các đối tượng bên ngoài khu vực công (người dân, DN) giúp cho việc đánh giá kết quả CCHC bảo đảm tính khách quan, góp phần tăng tính minh bạch, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội giúp nâng cao vai trò, chức năng và hiệu quả hoạt động của những cơ quan này trong quá trình phản biện, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Tuy nhiên, các đơn vị thí điểm cho rằng, việc tiếp cận, lấy ý kiến của các đối tượng là cán bộ quản lý cấp vụ, cấp sở, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội gặp khó khăn, do đặc điểm, tính chất công việc của các cán bộ này thường không cố định ở trụ sở. Việc hỏi người dân về CCHC của các bộ cũng gặp khó khăn do họ rất ít tiếp xúc với các cơ quan bộ nên thiếu thông tin để đánh giá chính xác. Tương tự, việc hỏi các tổ chức chính trị - xã hội để đánh giá về các bộ cũng không phù hợp do mỗi tổ chức chỉ hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định sẽ không đủ thông tin để đánh giá. Ngoài ra, một số câu hỏi điều tra còn khó hiểu, chung chung và trên các phiếu điều tra yêu cầu ghi rõ thông tin cá nhân dễ làm cho các đối tượng điều tra có tâm lý e ngại không dám trả lời hoặc không trả lời thật.
Từ các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Bộ Nội vụ đã xem xét và tiếp thu những ý kiến phù hợp để chỉnh sửa, hoàn thiện bộ chỉ số. Ngày 3-12, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1294/QĐ-BNV phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ". Theo đó, bổ sung một số tiêu chí thành phần đánh giá vào điều tra, khảo sát để tăng tỷ trọng tiêu chí thành phần đánh giá khách quan. Với việc điều chỉnh đó, bộ chỉ số PAR Index cấp bộ sẽ gồm 7 lĩnh vực và tăng từ 30 lên 31 tiêu chí, từ 83 lên 89 tiêu chí thành phần, số điểm qua điều tra, khảo sát giữ nguyên là 40 điểm (trên thang điểm 100). PAR Index với cấp tỉnh sẽ gồm 8 lĩnh vực, tăng từ 32 lên 34 tiêu chí, từ 86 lên 104 tiêu chí thành phần và số điểm điều tra, khảo sát từ 35 lên 38 điểm. Các câu hỏi sẽ cụ thể, đơn giản, dễ hiểu hơn và phiếu hỏi phù hợp hơn cho từng loại đối tượng. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của bộ chỉ số cấp bộ, cấp tỉnh. Điểm tự đánh giá của các bộ, tỉnh sẽ được xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học sẽ do Bộ Nội vụ thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm các đơn vị tự đánh giá (được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận) - là căn cứ để tính chỉ số CCHC của từng bộ, tỉnh…
Mới là lần đầu thực hiện áp dụng bộ chỉ số CCHC, song ngay sau khi áp dụng thí điểm, bộ chỉ số đã được chỉnh sửa, hoàn thiện. Hy vọng, với cách làm nghiêm túc, bài bản của Bộ Nội vụ, khi triển khai áp dụng trên diện rộng vào năm 2013, bộ chỉ số PAR Index sẽ xứng đáng là công cụ đánh giá CCHC thực chất, khách quan.