Hiệp định Paris – Mốc son lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 16:38, 29/11/2022

(HNMO) - Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), chiều 29-11, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tọa đàm “50 năm Hiệp định Paris - Mốc son lịch sử” trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh cuộc tọa đàm khoa học.

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương… 

Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 23-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Trong thời gian khoảng 5 năm (từ năm 1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Cuối cùng, đúng 12h30 (giờ Paris, Pháp) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt. Ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, đây là diễn đàn khoa học để đánh giá sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của Hiệp định Paris và Hội nghị Pari trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nhất nước; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học uy tín là các nhà lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm trong công tác ngoại giao của các ban, bộ, ngành đã cùng đánh giá sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nhất nước; khẳng định đây là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Trong đó, bên cạnh phân tích ý nghĩa của Hiệp định Paris, đồng chí Vũ Khoan đã nêu bật những bài học đi đến thắng lợi của Hiệp định Paris đó là sự kết hợp, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo và khẳng định thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris có giá trị trường tồn với lịch sử dân tộc. 

Tọa đàm cũng giới thiệu bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên tại Paris, về thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Hiệp định Paris.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hiệp định Paris còn là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Tọa đàm cũng là dịp tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp của các thành viên phái đoàn đàm phán, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ hội nghị, thi hành Hiệp định Paris và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung; khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

An Nhi