Trung tướng Phạm Tuân: “Ý chí không đủ, ta phải sáng tạo”

Chính trị - Ngày đăng : 12:18, 10/12/2012

(HNMO)- Sáng nay (10/12), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.

Cách đây 40 năm, trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục ngàn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Thế nhưng, với tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích bắn rơi các pháo đài bay B.52, bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội.

Các khách mời của buổi giao lưu


Trong số khách mời của buổi giao lưu sáng nay có những người đã từng tham gia chiến đấu bắn rơi B.52 ngày ấy. Đó là: Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không - Không quân; Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phi công đoàn Không quân Sao Đỏ; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 - Sư đoàn Phòng không Hà Nội; Đại tá Nghiêm Đình Tích; Nguyên Đài trưởng đài Radar P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar.

“Chỉ sợ B52 chạy mất…”

Là một trong những phi công đã có mặt ngay từ những ngày đầu chiến đấu với B.52, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại cảm giác hồi hộp, lo lắng khi gặp B52: “Tôi đã gặp B52 rồi, nhưng nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì F4 sẽ đuổi theo và bắn, B52 chạy mất. Lúc đó tôi chỉ sợ B52 chạy mất, còn F4 xung quanh rất nhiều, tôi báo về sở chỉ huy là F4 thì thông báo cho biết, còn mình chỉ hướng vào chiếc B52 phía trước, cố gắng làm sao để đạt tốc độ nhanh nhất, dù bay với tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”.

Anh hùng Phạm Tuân


Là người điều khiển tên lửa SAM 2 bắn rơi B.52 trong tình huống rất khó khăn, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể: Đêm 20 rạng ngày 21/12, kiểm tra khí tài thì phát hiện trên bệ chỉ còn 3 quả đạn, mà 6 chiếc B52 đang vào. Nếu theo đúng giáo trình là 2, 3 quả đạn đánh một tốp B52 thì hết đạn, nhưng chính ủy sư đoàn chỉ đạo phải tiết kiệm đạn, chúng tôi đề nghị đánh “mổ cò”. Khoảng 5h8 phút, quả đạn thứ nhất phóng đi nhưng không điều khiển được, quả thứ hai điều khiển tốt, đến cự ly 24km thì bắt và diệt được B52.

Bên ngoài, các đồng chí hô máy bay cháy, nhưng mãi đến tháng 3/1997, phía Mỹ mới phát hiện, xác định chiếc máy bay này rơi ở Sầm Nưa. Sau đó 10 phút, tốp 2 đi vào, chúng tôi phóng nốt quả đạn, đến 15km bắt được tín hiệu và tiêu diệt tại chỗ chiếc máy bay này. Chiếc này rơi xuống Núi Đôi. Như vậy là chỉ trong 10 phút, 2 quả đạn đã tiêu diệt được 2 B52.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt


“Đánh 12 ngày đêm, chúng ta chỉ tuyên truyên đánh rơi bao nhiêu B52, nhưng nhiệm vụ chính của lực lượng phòng không-không quân chính là bảo vệ mục tiêu, chặn máy bay ném bom phá hoại mới là quan trọng nhất. Nếu bắn rơi nhiều mà địch vẫn vào ném bom được thì cũng thất bại, ngược lại nếu chúng ta không bắn rơi máy bay nhiều nhưng vẫn chặn, không cho nó bay vào ném bom, bảo vệ được mục tiêu thì mới là quan trọng.

Địch định san phẳng Hà Nội nhưng trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không thì Hà Nội chỉ chịu 2 vệt bom B.52. Chính là bởi vì lực lượng phòng không-không quân đã đánh B.52 khi chúng mới bay vào, còn cách xa Hà Nội. Tất nhiên nếu chúng ta không bắn rơi B.52 thì nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu cũng không thể hoàn thành” - Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh.


Vạch nhiễu tìm thù, chuyện về “ra đa sống”

Để đánh được B.52, công đầu phải thuộc về bộ đội Ra đa khi phát hiện ra chúng. Đại tá Nghiêm Đình Tích cho biết, trong chiến dịch 12 ngày đêm, chúng ta bị không quân Mỹ gây nhiễu ghê gớm hơn nhiều so với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, họ gây nhiễu từ các hạm tàm, từ các loại máy bay chiến thuật. Tất cả các máy bay đều có máy nhiễu công suất lớn. Đặc biệt, mỗi B52 có 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp B52 có 45 máy, như vậy tất cả nhiễu đó tạo thành nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn, phạm vi rất rộng.

Trong những ngày tháng chiến đấu với không quân Mỹ, thì có những chiến sỹ đã trở thành đài ra đa sống, hình tượng tượng đó có lẽ sẽ không phai mờ trong những người trẻ ngày hôm nay. Đại tá Nghiêm Đình Tích kể: “ Năm 1965-1967 bộ đội tên lửa hỏi tại sao không có kính quang học để nhìn máy bay mà bắn, vì khi đó nhiễu mù mịt, không bắt được mục tiêu.

Đại tá Nghiêm Đình Tích


Sau đó các nhà khoa học tổng hợp, chuyên gia Liên Xô cải tiến đưa ra loại kính quang học quan sát dùng cho 2 trắc thủ, bộ số cao, trời trong nhìn được xa 40-45km, lắp trên nóc ăng ten, thường gọi là chuồng cu. Nhiệm vụ của 2 trắc thủ là quan sát đúng máy bay, trong trường hợp nhiễu trên màn quá dày, thì báo cho ra đa biết đúng mục tiêu để theo bám.

Tháng 6/1972, nhờ “ra đa sống” mà tôi đã đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.700, rơi xuống Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội…. 12 ngày đêm, tên lửa bắn xuống liên tục, nhưng anh em vẫn rất bình tĩnh, chiến đấu tốt”

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu


Trả lời cho câu hỏi “Điều gì đã làm nên chiến thắng vĩ đại đó”, kết thúc buổi giao lưu, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu phân tích nhiều nguyên nhân, trước hết là quyết tâm lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Thứ hai là sự tiên đoán của Bác Hồ rất sớm về vấn đề chiến thắng B.52 khi Bác nói: “Các chú phải làm sao đánh thắng B.52 và các chú muốn bắt cọp thì phải vào hang cọp”.

Tinh thần đó được quán triệt đến cán bộ chiến sỹ toàn quân chủng Phòng không-Không quân, trở thành ý chí sắt đá, sáng tạo trong chiến dịch 12 ngày đêm. Không những trong quân đội mà nhân dân cũng quyết tâm tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội.

Ngân Hạ