Thai trứng - nỗi ám ảnh của chị em
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:02, 10/12/2012
Đã là phụ nữ, hầu hết ai cũng mong thai kỳ diễn ra bình thường. Thế nhưng, sẽ có người gặp rủi ro thai sản, đặc biệt là thai trứng, một trong những bệnh khó lường nhất. Thay vì phát triển bình thường, tế bào nuôi gai nhau phát triển mạnh bất thường, biến thành nhiều túi nhỏ giống chùm nho chứa đầy nước, lấn át bào thai, đó là bệnh thai trứng (chửa trứng).
Bệnh này thường lành tính nhưng trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến các biến chứng đáng sợ như thai trứng xâm lấn hay ung thư tế bào nuôi. Theo quy luật tự nhiên, ở các trường hợp mang thai bình thường, mỗi gai nhau đều có tổ chức đệm cơ và mao mạch để dẫn máu đi nuôi dưỡng thai. Xung quanh các mạch máu này là lớp tế bào nuôi và hội bào.
Vì một lý do nào đó, chúng biến thành các nang nước, làm tử cung căng to, lấn át bào thai. Trường hợp trong tử cung không còn bào thai được gọi là thai trứng toàn phần, còn trường hợp vừa có thai vừa có trứng được gọi là thai trứng bán phần.
Độ tuổi mắc bệnh và nguyên nhân
Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây thai trứng. Y học mới xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ chửa trứng như độ tuổi, di truyền, yếu tố môi trường, tiền sử sinh sản kém, cơ địa yếu, thiếu dinh dưỡng…
Theo một nghiên cứu mới nhất, tuổi của thai phụ trên 40 tuổi thì nguy cơ chửa trứng tăng 5,2 lần so với những thai phụ từ 21 – 35. Đồng thời nếu tuổi thai phụ dưới 20 thì nguy cơ chửa trứng cũng tăng đáng kể. Có 2 loại chửa trứng:
Chửa trứng hoàn toàn: Là loại chửa trứng không có tổ chức thai, các gai rau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.
Chửa trứng không hoàn toàn (hay còn gọi là chửa trứng bán phần): có tổ chức thai hoặc một phần thai, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết, các gai rau phù nề.
Nếu không được điều trị và theo dõi sát sau điều trị, bệnh nhân có thể bị ung thư tế bào nuôi – một bệnh lý chiếm tỉ lệ khá cao ở Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á khác (30/ 1.000 ca sinh và 2,6/ 1.000 ca có thai). Bệnh dẫn đến biến chứng ác tính ở các cơ quan quan trọng của cơ thể như phổi, não, gan, thận… gây tử vong.
Ảnh minh họa.
Triệu chứng và cách xử lý
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, người phụ nữ đột nhiên ra máu đen âm đạo, đau bụng từng cơn rồi ra từng chùm túi trứng nhỏ. Có trường hợp ra máu tái phát nhiều lần trong nhiều tuần lễ, dễ bị chẩn đoán nhầm là dọa sẩy.
Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều và kéo dài so với trường hợp thai bình thường, đặc biệt là có dấu hiệu nhiễm độc thai sớm (trong 3 tháng giữa), tăng huyết áp.
Khoảng một nửa bệnh nhân có tử cung to ra nhanh so với tuổi thai; số còn lại có tử cung phát triển bình thường hoặc bé do thai trứng thoái triển. Ở tuần thứ 20, các trường hợp thai trứng sẽ không có tim thai, sờ nắn bên ngoài không thấy các phần thai.
Những người có biểu hiện nghi ngờ thai trứng cần đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm như đo ngưỡng hoóc môn hCG trong máu hay nước tiểu, chụp buồng ối, chụp động mạc, siêu âm tử cung…
Khi xác định thai trứng, bác sĩ chuyên khoa thường chọn hút nạo vì phương pháp này giúp tiết kiệm được thời gian thực hiện (với khối lượng trứng 1.500 ml, chỉ mất 5 – 10 phút), bệnh nhân ít mất máu.
Nó cũng không gây biến chứng thủng tử cung khi bệnh nhân được tiêm thuốc hỗ trợ tử cung co bóp. Trong trường hợp cổ tử cung dài, đóng chặt hoặc cần quan sát kiểm tra buồng tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật mở tử cung để lấy khối trứng. Với những bệnh nhân trên 35 tuổi, không có nhu cầu sinh thêm con, có thể cắt tử cung nguyên khối để tránh các biến chứng ác tính hóa về sau.
Những người đã xử lý thai trứng cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng ác tính. Hai tuần sau hút nạo, bệnh nhân cần đến bệnh viện để xét nghiệm định lượng hCG.
Xét nghiệm này cần được thực hiện 2 tuần/ lần trong 3 tháng đầu rồi 6 tháng/ lần cho đến hết 12 tháng. Tuyệt đối tránh thai trong vòng 1 năm sau hút nạo.
Một vài triệu chứng rõ rệt nhất cần nhập viện ngay
- Ra máu: Thường ra máu sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, máu có màu nâu đen, có thể đỏ, ra dai dẳng hoặc chảy máu ồ ạt dẫn đến thiếu máu.
- Nghén nặng: Thường nôn nhiều (có thể do nội tiết tố rau thai tăng tiết), đôi khi xuất hiện phù, protein niệu.
- Siêu âm thấy kích thước của tử cung to, không tương xứng với tuổi thai, mềm, thấy hình lỗ chỗ trong khối rau như hình ảnh tuyết rơi.
- Xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ hCG tăng cao.