HTX nông nghiệp sau chuyển đổi: Năng lực yếu, hiệu quả thấp
Xã hội - Ngày đăng : 07:33, 10/12/2012
Trồng hoa chất lượng cao tại xã Song Phượng đang khẳng định ưu thế trong nông nghiệp. |
Thiếu vốn, yếu năng lực, thiếu cả kinh nghiệm
Sau chuyển đổi, các HTX đều hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã viên tự góp vốn, sức lao động. Nhiều HTX phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ cần thiết cho xã viên như thủy lợi, điện, khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất… Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, hiện có 62% HTX làm dịch vụ thủy lợi, 45% số HTX làm dịch vụ giống cây trồng, một số HTX dịch vụ làm đất, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng, môi trường, nước sinh hoạt… Số HTX có lãi chiếm 44,5%, hòa vốn 17%, số HTX lỗ 14%.
Bình quân, một HTX lãi 70 triệu đồng. Đa số HTX có vốn, quỹ hạn chế, vốn bình quân chỉ có 950 triệu đồng, chủ yếu là tài sản cố định, chiếm 65%. Vốn lưu động ít, HTX khó có thể hoạt động dịch vụ cho nông dân. Nhiều HTX chuyển đổi sang mô hình mới chỉ mang tính hình thức, xã viên không góp vốn thêm nên không có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, nhiều loại hình dịch vụ xã viên rất cần như khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng HTX không thể làm được. Đây cũng là hạn chế cản trở việc liên kết, phối hợp giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với nhau, xã viên với HTX. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn của HTX cũng chưa hiệu quả, không chọn được khâu dịch vụ có lãi nên vốn không tăng, chỉ có 15% HTX được vay vốn ngân hàng. Trình độ cán bộ HTX yếu trong khi cơ chế chưa khuyến khích người giỏi làm việc ở HTX.
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho biết, các HTX nông nghiệp hiện yếu thế. Do kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận thấp nên việc phân phối cho xã viên chỉ mang tính tượng trưng, thu nhập của xã viên ở mức thấp nên họ không gắn bó với HTX. Các HTX nông nghiệp đã quen cách nghĩ, cách làm của cơ chế cũ. Cán bộ, xã viên chưa nhận thức đầy đủ về HTX kiểu mới, vẫn trông chờ vào bao cấp. Các HTX sau chuyển đổi chưa thích ứng được với cơ chế thị trường.
Khắc phục tình trạng "bình mới, rượu cũ"
Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả của mô hình HTX, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải đề nghị thành phố tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tập huấn và đào tạo theo chuyên đề cho cán bộ HTX, nhất là các HTX kiểu mới phát triển theo hướng kinh doanh đa ngành bao gồm dịch vụ nông nghiệp, tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường, tiểu thủ công nghiệp… nên rất cần.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho rằng, cần xác định lại vị trí và bản chất của các HTX trong phát triển kinh tế thị trường để quan tâm giúp các HTX có chỗ đứng vững chắc, khẳng định vị thế thúc đẩy kinh tế tập thể. Rất nhiều vấn đề trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giai đoạn xây dựng nông thôn mới cần HTX giải quyết, đảm nhiệm, từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các HTX kiểu mới cần lột xác, thay đổi tư duy, khắc phục tình trạng "bình mới, rượu cũ". Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX thành lập mới, cũng như đa dạng hóa hình thức hợp tác, liên kết 4 nhà, liên kết vùng sản xuất để hoạt động hiệu quả.
Thực trạng các HTX nông nghiệp của Hà Nội vẫn yếu và hoạt động kém hiệu quả chưa tạo niềm tin cho hơn một triệu xã viên. Vì vậy, vấn đề củng cố, nâng cao năng lực các HTX đang trở nên cần kíp. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân đề nghị Nhà nước, thành phố cần nghiên cứu có chế độ, chính sách khả thi với các HTX như: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ đất làm trụ sở cho các HTX, hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để thu mua, chế biến nông sản.