Không thể chủ quan, bị động
Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 10/12/2012
Cán bộ thú y kiểm tra con giống nhập về Hà Nội. |
Kết quả kiểm tra lưu hành virus cúm gia cầm của Cục Thú y (Bộ NN& PTNT), năm 2012, tại 250 chợ buôn bán GSGC sống 30 ở tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, cho thấy: Có 29/30 địa phương phát hiện có virus cúm A; 23/30 địa phương phát hiện có virus cúm H5 và 20/30 tỉnh, thành phố phát hiện có virus cúm H5N1. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 21 tỉnh, thành phố, dịch lở mồm long móng xảy ra ở 4 tỉnh và dịch lợn tai xanh xảy ra ở 19 tỉnh, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Đặc biệt, theo kết quả giám sát virus cúm gia cầm năm 2012 của Cục Thú y, từ tháng 7-2012 đến nay đã xuất hiện một nhóm virus mới thuộc nhóm C nhưng chưa có vắc xin phù hợp, khiến người chăn nuôi hoang mang. Trong khi đó, giai đoạn thời tiết chuyển mùa lại là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển mạnh. Mặt khác, nhu cầu vận chuyển thực phẩm trong dịp cuối năm tăng cao là cơ hội để dịch bùng phát. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng và người chăn nuôi phải tập trung cao phòng chống dịch bệnh.
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trong tháng 11, các địa phương đã tập trung tiêm phòng cho đàn GSGC. Tuy nhiên, số lượng GSGC được tiêm phòng còn nhỏ so với tổng đàn của Hà Nội và chủ yếu mới tiêm phòng ở các trang trại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng.
Có nhiều nguyên nhân gây nên dịch bệnh, trong đó chủ yếu là do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không an toàn của người dân (nuôi gà thả vườn, vịt thả đồng…). Bên cạnh đó, chu kỳ thay đàn gia cầm thường nhanh. Một năm, mỗi hộ chăn nuôi thay khoảng 4 đàn vịt và 6 đàn gà, trong khi việc tiêm phòng chỉ tập trung trong 2 đợt, vì vậy nhiều đàn gia cầm mới không được tiêm phòng. Ý thức của một số người chăn nuôi lại chưa cao, vẫn còn hiện tượng không tiêm phòng và khi có dịch thì không khai báo nên dễ lây lan. Một nông dân ở huyện Thanh Oai cho biết, hiện gia đình đang nuôi 100 con gà để bán trong dịp Tết nhưng chưa một lần tiêm phòng vắc xin cho đàn gà. Một người khác ở Phú Xuyên, nuôi 200-300 con gà, thậm chí còn cho rằng, chỉ chăn nuôi công nghiệp mới phải tiêm phòng, còn chăn nuôi truyền thống, chủ yếu cho ăn thóc và rau thì gà... không thể bị dịch.
Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong các tháng cuối năm, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình cho biết, chi cục đã chỉ đạo trạm thú y các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến từng thôn, xóm cụm dân cư. Chi cục cũng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các chính sách hỗ trợ của TP để người chăn nuôi chủ động phối hợp tiêm phòng cho đàn vật nuôi chủ động khai báo, không giấu dịch, bán chạy, vứt xác GSGC bệnh ra môi trường...
Tuy nhiên, sự cố gắng của các ngành chức năng sẽ không đạt hiệu quả nếu người chăn nuôi không ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh.