Huyện Mê Linh: Tạo vùng chuyên canh hiệu quả
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 10/12/2012
Tiền đề dồn điền đổi thửa
Do đặc thù đồng đất manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ, 85% diện tích cấy lúa là lúa Q5, Khang dân, cho hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Mê Linh chỉ đạt 13,6 triệu đồng/người/năm. Kinh tế hộ chủ yếu là thuần nông, thiếu các mô hình chuyển đổi kinh tế nên đời sống nông dân hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,64%. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường cho biết, đã nhiều lần huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, song ruộng đất manh mún nên việc mở rộng sản xuất, cơ giới hóa đưa giống mới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhiều xã, do sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nên nông dân bỏ ruộng, bỏ quê ra thành phố tìm việc. Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2011 UBND huyện Mê Linh triển khai dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở 11 xã. Năm 2012, thành phố giao chỉ tiêu cho Mê Linh phải hoàn thành DĐĐT 1.500ha. Với quyết tâm cao, đến hết tháng 11, toàn huyện đã dồn được 2.186ha, vượt kế hoạch.
Điểm sáng phong trào xây dựng NTM
Tính đến thời điểm này, Mê Linh đã chuyển đổi 280ha sang trồng lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã Bồng Mạc, Văn Quán... Giá trị sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 8-10 triệu/ha/vụ so với cấy giống Khang dân, Q5. Đặc biệt, UBND huyện phối hợp với Sở NN&PTNT quy hoạch chuyển đổi vùng bãi, ven sông sang sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGap. Diện tích gieo trồng rau hằng năm toàn huyện đạt 3.400ha, năng suất trung bình đạt 23,8 tấn/ha; sản lượng đạt 80 nghìn tấn, tập trung tại các xã Tiền Phong, Mê Linh, Tráng Việt, Tiến Thắng, Văn Khê… Trong đó có 4 xã được Chi cục BVTV Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT với 210,2ha. Đồng thời huyện chuyển đổi 104,5ha vùng bãi sang trồng chuối tiêu hồng tập trung cho thu nhập khá. Vốn có thế mạnh về trồng hoa, Mê Linh đã quy hoạch và phát triển 1.200ha trồng hoa/năm, chủ yếu thâm canh hoa hồng (khoảng 1.000ha). Hiện thu nhập trên 1ha trồng hoa đạt 400-600 triệu đồng. Đối với vùng cao, khó canh tác, các xã đã chủ động chuyển đổi xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt với quy mô đàn 20-50 con/hộ; trang trại lớn với quy mô 50-100 con lợn nái, 100-500 lợn thịt/trại; trang trại gia cầm với quy mô 1.000- 5.000 con/trại... Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều xã ở Mê Linh giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập của người dân tăng nhanh.
Theo kế hoạch phát triển, năm 2013, Mê Linh sẽ tiếp tục mở rộng chương trình sản xuất lúa hàng hóa với diện tích khoảng 2.000ha tại 9 xã đã đăng ký. Huyện xây dựng đề án đầu tư hỗ trợ nông dân giống lúa năng suất, chất lượng cao dần thay thế giống lúa cũ. Huyện cũng tiếp tục thực hiện đề án thí điểm về đầu tư và chỉ đạo sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT quy mô 20ha tại xã Tráng Việt, phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 1.080ha sản xuất RAT. Như Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đánh giá, từ một huyện nông nghiệp nhiều khó khăn, Mê Linh đã làm tốt DĐĐT năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trở thành điểm sáng của thành phố trong phong trào xây dựng NTM.