Khi nghệ thuật đến gần dân
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 09/12/2012
(HNM) - 65 nghệ sĩ từ 15 nước, trong đó có 45 nghệ sĩ nước ngoài, đã có mặt 10 ngày tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, tạo nên sự kiện "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn" độc đáo. Sự kiện đã qua đi, để lại dư âm tích cực về một mô hình đưa nghệ thuật tới gần dân hơn.
Kết nối giấc mơ
Khởi xướng Trại sáng tác, triển lãm (Workshop) "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn" từ mô hình Asia art link do nghệ sĩ Trịnh Tuân của Việt Nam và Ng Bee của Malaysia sáng lập, một mô hình nghệ thuật của nghệ sĩ nhiều nước hướng đến việc tổ chức các hoạt động giao lưu sáng tạo tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ đã ra đời.
Cùng nhau, Chow Chin Chuan (Malaysia), acrylic, 90x150cm. |
Vào năm 2008, Workshop diễn ra tại làng chài Sasaran, bang Selangor, quê hương của Ng Bee với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ từ nhiều nước. Sự kiện này khiến một làng chài không ai biết đến trở nên nổi tiếng cả ở ngoài biên giới Malaysia. Họa sĩ Trịnh Tuân nói: Nếu tính từ năm 2005, khi chúng tôi gặp nhau và tổ chức một cuộc triển lãm giữa nghệ sĩ Việt Nam và Malaysia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, rồi tới triển lãm "Giấc mơ" có thêm nghệ sĩ nước thứ ba là Philippines tại Viet Art thì đến Sasaran, ý tưởng đã thành hiện thực, tiếp tục nở rộ qua các sự kiện sau đó, như "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn" hôm nay.
Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận đăng cai cho sự kiện của năm 2013, Mông Cổ nhận "thiết kế" vào năm 2014. Ý tưởng kết nối các nghệ sĩ với mục tiêu gặp gỡ, giao lưu và sáng tác một cách tự nguyện, phi lợi nhuận, trong mối liên hệ cởi mở cùng cư dân bản địa đang chứng minh tính khả thi của nó. Đó là điều đáng khuyến khích, nhất là trong bối cảnh sự khép kín của nghệ sĩ với đời sống bên ngoài cũng như sự thờ ơ của công chúng trước nghệ thuật đã là khá phổ biến.
Họa sĩ Trịnh Tuân cho biết thêm: Với Asia art link, các nghệ sĩ thành viên không cố định. Chúng tôi luân chuyển hằng năm qua từng nước, vùng lãnh thổ. Lượng nghệ sĩ thay đổi với khoảng một nửa là mới. Workshop không có người chỉ đạo, nghệ sĩ tự do sáng tác với những ý tưởng ấp ủ hay nảy sinh khi tiếp cận với người bản địa.
Khó khăn không phải là không có. Việc kéo người dân gần lại với nghệ thuật là điều không phải nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng nhập cuộc. Chưa kể, khi tham gia các hoạt động cộng đồng là biết chắc sẽ thiếu những điều kiện về cơ chế, chính sách, tài chính… Trong bối cảnh chung ấy, sự tiên phong trong hành trình đưa nghệ thuật tới gần dân hơn đáng được hoan nghênh.
Dấn thân mới có thành quả
Tất nhiên, nỗ lực hiện thực hóa những mô hình này là vấn đề luôn phải cân nhắc với mỗi nhóm nghệ sĩ hay tổ chức nào đó ở quốc gia, vùng lãnh thổ đăng cai sự kiện. Vì vai trò tổ chức đi liền với trách nhiệm huy động kinh phí, tìm kiếm tài trợ, chuẩn bị không gian lưu trú, sáng tác và lo cả nguyên vật liệu sáng tác. Nhưng, những thách thức này hấp dẫn sự "liều mình" của các "khổ chủ" như họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - bảo tàng tư nhân đầu tiên của Hòa Bình, cũng là điểm đến hiếm hoi do cá nhân tạo dựng. "Đưa nghệ thuật vào bảo tàng là việc khó" - họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói: "May mắn là tôi có quen biết nhiều nghệ sĩ, luôn muốn bảo tàng là không gian mở để làm nơi giao lưu của nghệ sĩ với người dân". Từng đến Workshop ở Sasaran, họa sĩ nảy ra ý định tổ chức tại Hòa Bình và nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện này. "Người dân, bà con dân tộc có thể không hiểu gì từ các tác phẩm và hoạt động của các nghệ sĩ. Nhưng, ít nhất thì chúng tôi đã đưa đến những gì mà lâu nay họ chưa từng thấy. Bà con đã tham gia vào công việc của các nghệ sĩ và điều đó tác động đến nhận thức, thẩm mỹ, cách nghĩ về nghệ thuật của họ".
Sự tự nguyện vượt khó và cảm hứng của các nghệ sĩ đã được đáp lại bằng sự tham gia hưởng ứng một cách vô tư của nhiều người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn phải kể tới sự ủng hộ bước đầu của chính quyền địa phương. Những gì đã đạt được phù hợp với mục tiêu cơ bản của mô hình, cho thấy kết quả tích cực và cởi mở của nghệ thuật khi các nghệ sĩ mong muốn thu hẹp khoảng cách vốn khá lớn giữa người sáng tạo và người thưởng thức bình dân. Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh: Giữa thành phố Hòa Bình không có một cửa hàng bán họa phẩm nào và cũng chưa từng có tiền lệ tổ chức sự kiện nghệ thuật ở tầm quốc tế như vậy, "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn" là dấu hiệu đáng mừng!