Người phục dựng men gốm cổ

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 09/12/2012

(HNM) - Sinh ra từ làng gốm, 22 tuổi ông Ba Đức (tên đầy đủ là Nguyễn Anh Đức) rời làng Bát Tràng (Hà Nội) mang theo nghề gốm quê nhà đến đất phương Nam. Hơn 20 năm qua, từ một anh bán gốm dạo tại TP Hồ Chí Minh, ông đã lập nên cơ sở kinh doanh và phục dựng gốm Bát Tràng tại đây.

Ông Ba Đức (áo trắng) giới thiệu mẫu gốm cổ Bát Tràng đã được phục chế cho khách.


Dù được giới chơi gốm sứ ở miền Nam phong là nghệ nhân nhưng ông Ba Đức không bao giờ tự xưng như vậy, chỉ nói mình là một người con Bát Tràng biết nhóm lửa đốt lò, biết chuốt đất. "Một buổi chiều muộn năm 1992, khi tôi mang gốm bán dạo trên vỉa hè đường Lê Quý Đôn thì có cô gái trẻ đến tìm mua bình vôi cho bà cụ nhà gìn giữ từ năm 1954 và đứa cháu nhỏ nghịch làm vỡ. Từ ngày mất chiếc bình, cụ sinh ra buồn rầu, giận cả con cháu. Cô con gái đi khắp nơi mà không tìm ra được chiếc bình có kiểu dáng đó. Hiểu tâm sự đó, tôi quyết định lấy mẫu rồi gửi về quê nhờ các nghệ nhân Trần Độ, Vũ Thắng, Văn Hoa, Trần Hùng phục chế thành công. Hôm nhận lại chiếc bình vôi, cô gái ấy rất xúc động!" - ông Ba Đức bồi hồi nhớ lại.

Từ đó, rất nhiều người mang từ bộ bát ăn cơm, ấm trà cổ, đến chum ché, lộc bình là những kỷ vật quý hiếm của gia đình đến nhờ ông phục chế. Có mẫu gốm cổ, ông phải nhờ những bàn tay của nghệ nhân Bát Tràng khôi phục. "Công việc này rất khó khăn vì đòi hỏi sự đồng lòng, đồng sức của các nghệ nhân. Đến nay, những mẫu thất truyền hàng trăm năm vẫn có người tìm lại, mang đến đặt tôi phục chế. Men gốm theo công thức đặc biệt, phải nghiên cứu thử nghiệm mất cả năm trời mới phục chế thành công. Không ai đơn phương độc mã mà xây lên một Bát Tràng cả!" - ông Ba Đức nói. Hơn 20 năm, ông sưu tầm được hơn 100 sản phẩm gốm cổ tại miền Nam để các nghệ nhân Bát Tràng phục chế thành công. Mặt khác, do nắm bắt được nhu cầu của khách nước ngoài đang ưa chuộng dòng gốm cổ tinh xảo, ông cùng các nghệ nhân Bát Tràng đã phối hợp nghiên cứu ra các men gốm cổ, phục dựng rồi xuất khẩu ra nước ngoài.

Bây giờ, cửa hàng gốm sứ của ông Ba Đức (tại địa chỉ 200 Võ Thị Sáu, quận 3) như một bảo tàng thu nhỏ khi trưng bày hơn 800 mẫu sản phẩm bình, thạp hũ, bình chén, đồ thờ cúng, gốm mỹ nghệ làm từ quê hương Bát Tràng.

Chia tay chúng tôi, ông Ba Đức tâm sự: "Người làm nghề như tôi, tiền không phải là tất cả. Tôi luôn tâm niệm, quan trọng hơn tất cả là giới thiệu, mở rộng, phát triển được tinh hoa quê hương ra khắp mọi miền, khắp thế giới. Tôi muốn làm bất cứ điều gì để cho con cháu nhiều đời sau vẫn tiếp nối phát triển giá trị tinh hoa làng gốm Bát Tràng!". 

Tuệ Diễm