Không thể xin - cho

Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 09/12/2012

(HNM) - Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức một hội nghị ở khu vực phía Nam nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tại đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu… đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm, trong đó, có một nội dung rất đáng chú ý, nếu được đưa vào Nghị định và được thông qua sẽ tạo nên một sự thay đổi căn bản trong cơ chế xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đó là quan điểm: Chủ động phát hiện tác giả có tác phẩm đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn tác giả, gia đình làm hồ sơ xét giải.

Đây cũng chính là nội dung đã làm tốn nhiều giấy mực của báo giới. Dịp xét giải vừa qua, dư luận đặt ra không ít vấn đề xoay quanh những câu chuyện liên quan đến nhạc sĩ Phạm Tuyên. Rõ ràng ông là một nghệ sĩ có đóng góp to lớn cho âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhưng chỉ vì không rành thủ tục mà suýt nữa lỡ dịp vinh danh… Và có lẽ đây không phải là trường hợp cá biệt.

Tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho văn nghệ sĩ là để vinh danh những đóng góp xứng đáng của họ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Do vậy không thể là chuyện "xin - cho". Đã đến lúc, không nên ngồi chờ văn nghệ sĩ làm đơn xin xét giải. Văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người cao tuổi, hoặc gia đình tác giả đã mất không thể cứ đơn phương mày mò, vất vả chạy theo những thủ tục vốn rất xa lạ với bản thân để xin một danh hiệu mà họ xứng đáng được hưởng.

Với việc bổ sung nội dung này, công tác xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước sẽ thiết thực hơn và cũng ý nghĩa hơn. Bằng thái độ trân trọng và chủ động chúng ta sẽ không bỏ lỡ những gương mặt xuất sắc có đóng góp lớn cho đất nước. Công việc này cần được xem như là trách nhiệm của xã hội, của các hội chuyên ngành đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà chứ không phải là việc xin - cho hay ban ơn cho ai đó.

Người Lái Đò