Tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ: Những “khoảng tối” cần làm rõ
Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 09/12/2012
Đến chợ gia cầm Hà Vỹ những ngày này, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đìu hiu so với cảnh tấp nập của mấy tháng trước. Có thể nói, đây là bước chuyển biến khá tích cực khi cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý đối với việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu nên nguồn hàng có phần khan hiếm. Nhưng chính sự đìu hiu này lại giúp người ta dễ nhận thấy một nghịch cảnh, đó là trong khi nhiều kiốt được xây dựng theo đúng quy hoạch hay tạm gọi là "chính quy" phải tạm thời đóng cửa vì không có gia cầm bán thì ở khoảng lưu không cuối chợ (nơi mà theo quy hoạch được phê duyệt khi xây dựng chợ mới dành để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường), lại có tới hơn chục "gian hàng" nhốt gia cầm để bán.
Trao đổi với PV Hànộimới ngày 7-12, nhiều tiểu thương trong chợ Hà Vỹ - những người có hợp đồng thuê kiốt với chính quyền sở tại, cho biết: Những "kiốt tự do" đó là "sản phẩm" của Ban quản lý chợ và chính quyền sở tại "sinh ra" sau một thời gian chợ Hà Vỹ mới đi vào hoạt động. Vẫn biết, "buôn có bạn, bán có phường" , "trăm người bán, vạn người mua" nhưng những gian hàng lưu động đó hoạt động trong chợ là không "công bằng" với chúng tôi - một tiểu thương giãi bày.
Theo phản ánh của các tiểu thương, mức phí cho xe máy chở gia cầm vào chợ Hà Vỹ bán ở khu đất trống cuối chợ từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng, ô tô 5 tạ nộp từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, ô tô 1 tấn trở lên nộp 150.000 đồng… Số tiền trên do nhân viên của Ban quản lý chợ Hà Vỹ thu trực tiếp, không có phiếu thu. Còn ô tô chở gia cầm giao cho các tiểu thương có kiốt trong chợ cũng phải nộp ít nhất 100.000 đồng/xe, tùy trọng tải. Ngoài ra, các tiểu thương còn phải nộp nhiều khoản phí khác, như phí vệ sinh, phí kiểm dịch, …
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi về việc có hay không sự "thiếu công bằng" đang diễn ra tại chợ Hà Vỹ. Ông Thuận cho biết: Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ có diện tích khoảng 1,7ha với 162 gian kiốt. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng chợ khoảng 35 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 50%, ngân sách nhà nước 50%. Khi hoàn thành, các kiốt trong chợ được giao cho các hộ kinh doanh gia cầm tại thời điểm đó trong thời hạn 10 năm với giá giao là 110 triệu đồng/kiốt. Đây là chợ cấp 2, do UBND huyện Thường Tín quản lý, nhưng UBND huyện ủy quyền cho UBND xã Lê Lợi quản lý. UBND xã Lê Lợi đã thành lập Ban quản lý chợ tạm thời, với 9 thành viên (1 trưởng ban, 1 phó ban) và 3 nhân viên bảo vệ; Ban quản lý chợ hoạt động theo các quy định về chợ của Nhà nước.
Các khoản phí, lệ phí trong chợ, ông Thuận khẳng định thu theo đúng quy định của UBND TP Hà Nội trong Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 9-1-2009. Các hộ kinh doanh phải nộp phí cao hơn là do đặc thù của chợ kinh doanh gia cầm nên phải thêm phí kiểm dịch, phun phòng trừ tiêu độc. Theo quy định, mỗi tháng các hộ có kiốt trong chợ phải đóng 15.000đ/m2 nhưng đến nay hầu hết các hộ không đóng - ông Thuận cho biết thêm.
Ông Thuận thừa nhận, theo quy hoạch phần đất cuối chợ là để trồng cây xanh nhưng do các hộ chăn nuôi ở các địa phương lân cận không biết chợ Hà Vỹ là chợ chỉ dành cho các tiểu thương có kiốt, mà kể cả họ có biết nhưng vì bán gia cầm tại đây "được giá" hơn những nơi khác nên họ vẫn cứ mang gia cầm về chợ Hà Vỹ bán. Do đó, chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ Hà Vỹ đành phải "linh hoạt" sắp xếp chỗ ngồi cho họ ở trong chợ, không lẽ để họ phải mang gia cầm ra về. Ông Thuận cho biết thêm, tổng số phí thu được hàng tháng tại chợ Hà Vỹ khoảng 60-80 triệu đồng.
Về việc không đóng phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh ổn định hàng tháng, các tiểu thương có kiốt được hỏi đều bức xúc: "Sở dĩ chúng tôi không nộp khoản phí này là vì đã phải nộp 110 triệu đồng mà vẫn phải chịu phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh ổn định hàng tháng trong khi các tiểu thương kinh doanh cuối chợ đã không phải nộp tiền thuê mặt bằng lại không phải mất khoản phí này".
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, một số chủ "kiốt tự do" cuối chợ không là những nông dân bán gia cầm của nhà nuôi được mà có cả những "tay buôn" chuyên nghiệp. Không biết UBND huyện Thường Tín có biết những bức xúc đang diễn ra tại chợ Hà Vỹ? Dư luận băn khoăn: Thực tế số phí thu hằng tháng tại chợ Hà Vỹ là bao nhiêu, nguồn thu được sử dụng như thế nào?