Gian nan việc kiểm soát phụ gia thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 08/12/2012
Các loại thực phẩm được bày bán liệu cóbảo đảm không có chất phụ gia?
Tại chợ Kim Biên (quận 5), nơi được xem là "trung tâm" hóa chất của TP, chất phụ gia thực phẩm được bày bán tràn lan và rất công khai, từ sản phẩm có nhãn mác đến những sản phẩm không nguồn gốc hay nhãn mác trên bao bì. Bà nội trợ nào cũng có thể được "tư vấn" kỹ càng để có thể mua cho mình các loại hương liệu chế biến nước giải khát hay các loại phụ gia tạo màu, mùi cho thịt heo, bò, gà, tôm, nấm men - mốc trong xí muội, thạch dừa, mứt quả… với giá chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng. Theo quan sát của PV, chỉ trong vài giờ sáng đã có hàng trăm lượt khách đến chợ Kim Biên mua phụ gia thực phẩm và người tiêu dùng xem đó như là một gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Chị Lê Thị Kim Thúy (ngụ đường Ngô Gia Tự, quận 10) cho biết, hầu như tuần nào chị cũng qua chợ Kim Biên đều đặn 2 lần để mua các phụ gia về nấu các món ăn như thịt, cá hoặc các loại thức ăn nhanh vì vừa tiết kiệm thời gian vừa ngon. Thói quen ăn nhiều gia vị khiến người tiêu dùng rất lơ là đến việc tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ chất phụ gia đó có an toàn cho sức khỏe hay không? Và sản phẩm đó có được phép bán trên thị trường hay không? "Chế biến thức ăn thì không thể thiếu gia vị, nó làm món ăn đậm đà, thơm ngon và bắt mắt hơn", chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ đường Trần Phú, quận 5) vui vẻ cho biết lý do chị đến chợ mua phụ gia thực phẩm.
Theo thống kê của Sở Công thương TP, chỉ riêng chợ Kim Biên đã có gần 100 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó có hơn 70 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm, còn lại là hóa chất công nghiệp. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng các phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc hay lạm dụng một cách thái quá sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dùng.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, chỉ tính riêng năm 2012, đơn vị này đã tiến hành lấy 3.355 mẫu hương liệu phụ gia, trong đó có 674 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 20,1%. Sở cũng đã tiến hành thanh tra trên 28 nghìn cơ sở sản xuất chất phụ gia và phát hiện 3.325 cơ sở vi phạm. Sở đã đình chỉ hoạt động 63 cơ sở, cấm lưu hành sản phẩm 9 cơ sở, buộc 226 cơ sở hủy sản phẩm và hủy trên 18 nghìn kilôgam thực phẩm các loại.
Tình trạng bán tràn lan chất phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP do công tác tầm soát hóa chất phụ gia công nghiệp sử dụng trong chế biến thực phẩm vẫn chưa chủ động, trong khi cơ quan quản lý vẫn chưa dự đoán được nhà sản xuất đưa hóa chất phụ gia nào vào thực phẩm để có thể chỉ định kiểm nghiệm. Mặt khác, ý thức chấp hành quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn của chủ doanh nghiệp còn thấp nên các hóa chất phụ gia không được phép sử dụng được cho vào thực phẩm vẫn còn tồn tại; việc kinh doanh phụ gia thực phẩm chung với hóa chất công nghiệp vẫn còn do chưa có quy định, ông Bình cho hay. Ở một khía cạnh khác, người tiêu dùng không phải không biết việc sức khỏe bị ảnh hưởng nếu chẳng may dùng phải các loại gia vị không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên chính tâm lý chủ quan, thậm chí coi thường của người tiêu dùng là nguyên nhân không nhỏ tạo điều kiện cho tình trạng lộn xộn trong kinh doanh sản phẩm này tồn tại dai dẳng, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra "thuốc đặc trị" hữu hiệu nhất.
Sở Y tế TP kiến nghị, trong thời gian tới Bộ Y tế cần ban hành đầy đủ danh mục các chất được sử dụng trong việc chế biến thực phẩm; nhanh chóng ban hành thông tư về điều kiện kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm. Cụ thể, hóa chất phụ gia thực phẩm phải được kinh doanh trong cửa hàng thực phẩm, người kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm phải được huấn luyện đào tạo để có đủ trình độ hướng người sử dụng đúng hàm lượng khi đưa vào sử dụng trong sản xuất.