Nhiều bất cập, khó khả thi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 08/12/2012
Nhiều bất cập khi thu theo đầu phương tiện
Theo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính vừa ban hành, từ ngày 1-1-2013, chủ phương tiện xe máy, ô tô phải nộp loại phí này, trừ xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo. Với ô tô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng/tháng cho xe dưới 9 chỗ. Mức cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Chủ xe ô tô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này sẽ dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp. Mức 50.000 đồng/năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. UBND tỉnh, TP sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương. Chủ xe máy nộp phí tại UBND xã, phường, thị trấn.
Từ ngày 1-1-2013, chủ phương tiện tham gia giao thông phải nộp phí sử dụng đường bộ. Ảnh: Khánh Nguyên
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô. Mỗi năm số tiền thu từ ô tô khoảng 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số mô tô, xe máy đã đăng ký khoảng 2.400 tỷ đồng. Đây sẽ nguồn đáng kể phục vụ bảo trì đường bộ. Căn cứ Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ đã được Chính phủ ban hành từ tháng 3-2012, việc thu phí đường bộ theo đầu phương tiện có hiệu lực từ ngày 1-6-2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới đời sống người dân, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian thu phí đến ngày 1-1-2013.
Việc thu phí với xe máy sẽ do UBND xã, phường thực hiện, song việc triển khai trên thực tế không đơn giản. Một cán bộ tổ dân phố tại Hà Nội cho biết, việc thu loại phí này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu người dân chưa đồng thuận và không tự giác đóng phí, đặc biệt là tại những địa bàn đông dân cư. Bên cạnh đó, UBND phường phải triển khai nhiều việc liên quan đến thu các khoản thuế phi nông nghiệp, thuế khoán của hộ kinh doanh... khối lượng công việc vốn rất lớn. Hiện mỗi phường có 2-3 cán bộ làm công tác thuế, nếu không chuẩn bị về nhân sự thì việc thu đúng, đủ khoản phí này sẽ khó suôn sẻ.
Theo quy định, khi thu phí đối với xe máy, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai cho đối tượng nộp. Các phường, thị trấn được để lại tối đa không quá 10% số phí thu được; các xã được để lại tối đa không quá 20% để trang trải chi phí tổ chức thu. Số còn lại, hằng tuần cơ quan thu phải nộp vào tài khoản quỹ bảo trì địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước... Nhận xét về quy định này, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, việc hình thành các đơn vị quản lý quỹ từ trung ương xuống địa phương sẽ tăng thêm những khoản chi phí không nhỏ cho khâu hành chính, phương tiện, tiền lương, thù lao… nếu quản lý không chặt chẽ sẽ thất thoát đồng tiền của người dân đóng góp. Trên thực tế, nếu thu qua xăng dầu thì phương tiện nào đi nhiều, tiêu thụ lắm nhiên liệu sẽ phải đóng nhiều, còn thu qua đầu phương tiện là đẩy phần khó, thiệt thòi cho dân.
Quản lý chặt chẽ nguồn thu
Mặc dù còn nhiều ý kiến xung quanh việc thu phí theo đầu phương tiện, song theo Bộ Tài chính, việc thu phí nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm nhu cầu đi lại và an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Trước khi ban hành thông tư hướng dẫn thi hành, Bộ Tài chính đã gửi dự thảo xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... và nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Đa số đều thống nhất với dự thảo, trong đó 15 cơ quan, tổ chức thống nhất hoàn toàn. Một số có ý kiến khác về mức thu, chế độ miễn, giảm phí, phương thức quản lý và sử dụng phí thu được… Sau khi lấy ý kiến, bộ đã họp với một số đơn vị liên quan để tiếp thu và hoàn thiện dự thảo thông tư. Một số quy định liên quan tới mức thu phí đối với xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải; quy định không thu phí đối với xe máy điện, miễn thu phí đối với xe mô tô của các hộ nghèo... đã được sửa đổi phù hợp. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Số tiền nộp vào quỹ sẽ được quản lý, sử dụng chặt chẽ như các khoản thu ngân sách nhà nước.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để tránh tình trạng "phí chồng phí", sau khi thu theo đầu phương tiện, sẽ bãi bỏ thu qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Đối với các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT (do các công ty tư nhân đầu tư và khai thác có thời hạn), sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn đầu tư.