Vụn B.52 và hoa Hà Nội chiến thắng

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:06, 08/12/2012

(HNM) - Mười tám cái Tết chống Mỹ, những người lao động xã hội chủ nghĩa Hà Nội chả còn dành được mấy thời khắc mà tạt vào Trại Hàng Hoa cổ truyền của mình.


Nhưng mà cữ này, giữa khoảng Tết dương 1973 và Tết âm Quý Sửu, thôn hoa nội thành Ngọc Hà lại là nơi được nhiều người Hà Nội chân chính tới chia vui với làng hoa khu Ba Đình. Hăm ba con đại bàng Mỹ B.52 là thành tựu chiến thắng chung của Thủ đô trong chiến dịch mười hai ngày đêm liền Hà Nội chỉ ngủ có một mắt, nhưng thôn hoa đây là nơi được triển lãm tại chỗ những chiến lợi phẩm Mỹ đuy - ra B.52 bị bắn rơi tại chỗ. Để đâu cho hết xe đạp của người đi xem làng hoa đang mở chợ phiên.


Cô gái làng hoa Ngọc Hà.Ảnh: Văn Bảo

Đình Hữu Tiệp, trước đây là nơi tuyển lựa chim họa mi giỏi hay, thì nay là nơi triển lãm xác đại bàng Mỹ gãy cánh. Lòng hồ con trước đình, ngoi lên một cái đầu lâu đuy - ra khổng lồ, với ký hiệu B.52. Trên cái cục Mỹ to tướng chềnh ềnh trên mặt hồ đó, vươn lên một tấm biển viết bằng chữ ta.

Dọc ngang cái làng hiền xưa nay chỉ chuyên một nghề lành là trồng hoa, ầm ầm tung tóe lên vô khối là những cục Mỹ giết người ấy. Đúng là thằng siêu đế quốc Mỹ đêm trước vừa bĩnh vào thôn hoa. Bà Huấn, tổ hợp tác hoa Bờ Hồ nói như gỡ tay ai chịt cổ mình: “Đấy, ông xem, B.52 có mảnh nào rơi đúng được vào luống hoa của làng chúng tôi đâu. ở khối 63, nó lại còn rơi đúng vào trước dãy cửa hố xí công cộng. Các ông ấy ở thông tấn xã có chụp ảnh cả đấy…”.

Trước sân trường phổ thông cấp I Ngọc Hà, trong lòng hồ xinh, nhú lên một cái đầu B.52 cháy đen, trên sọ dừa vĩ đại Mỹ ấy, có một tấm biển chưa khô nét sơn: “Bảo tồn tại chỗ”. Trông cũng khá buồn cười, cái hòn non bộ Hoa Kỳ đuy-ra!

Chùa Bát Mẫu, trên gò dưới gốc muỗm, ở nhiều miệng hầm hào, lung linh nhiều mái tóc em bé còn ngái ngủ. Cạnh ao Cổ Ngựa, trên bãi tha ma gò Núi Chùa, công nhân quốc phòng đang đục, đang tháo một cục đầu B.52 nữa. Nó nằm nghiêng nghiêng, phải dùng dây lỉn mà neo cái tủ đứng Mỹ ấy vào một gốc nhãn, không có thì nó lộn tùng phèo xuống ao mất. Người ta trượt mỏ - lết, vừa làm vừa chửi những đứa đã làm ra B.52: “Mẹ cha nó, sao ê - cu, đinh vít nó rèn kỹ thế”. Tiếng búa, tiếng đục, tiếng cưa vào hợp kim tối tân Mỹ. Bên cạnh hiện trường tháo gỡ cái đầu Mỹ đuy-ra vẫn xè xè nhẹ nhẹ tiếng vòi ô-doa của một cô hàng hoa vào lứa tuổi của cô Du Liệt. Sát nách những vụn to đuy-ra xám bệch, hồng nhung, hồng quế và thược dược huyết dụ cứ bầm bầm rướn lên như vừa mọc từ máu tươi đất nước. Đi khắp thôn hoa, hoa xen kẽ với B.52 đầu Mỹ, cánh Mỹ, đuôi Mỹ, bánh (xe) Mỹ, mui Mỹ, ghế Mỹ, xác Mỹ, thấy hình như vừa lóe lên một hiện thực, rộ lên một đôi câu đối hàng ngày: CHIếN TRANH Và HòA BìNH mà, dĩ nhiên, vế hòa bình vẫn là tươi thắm hơn với một cách thật là vô giá. Bà Linh, vẫn tổ hoa Bờ Hồ, khoe luôn rằng: “Sau cái trận B.52, hoa không nở kịp để bán. Ba tổ Lê Hồng Phong, Ngọc Sơn, Bờ Hồ chúng tôi bán được tiền hoa ba ngàn đồng đấy ông ạ”. Đúng thế, “bạn ơi hãy nói lên bằng hoa, cái điều ấy”.

Cũng đúng vào ngày Tết Dương lịch 1973, nhận được thư của R.F… Thư đề ngày 19-12-1972 gửi từ La Mã, có một câu thật là đáng yêu, đáng quý: “… Sớm nay, tôi nghe đài và biết Hà Nội anh bị nó B.52, và lấy làm xấu hổ vì đã sớm rời Hà Nội. Ôm hôn anh”. Lại thư, cũng về chuyện Hà Nội B.52, của Th.R, gửi từ Paris sang: “Tôi có cảm tưởng như là đã bỏ mà đi, đi trước khi Hà Nội có cuộc thử thách thật sự…”. Không, các anh rời khỏi Hà Nội vì công việc các anh phải đổi chỗ, cũng như hôm các anh lên tàu bay thì tôi cũng rời Hà Nội xuống Hải Phòng đi theo một cái tàu phá mìn, các bạn không có việc gì phải bận tâm về sự vắng mặt của mình. Cám ơn và hôm nay, trong bó hồng tôi mua ở quầy hoa Bờ Hồ, tôi vẫn giữ lại hai cành tươi chiến thắng cho hai bạn đấy.

Pháo đài bay chiến lược Mỹ bị Hà Nội bắn rơi tại chỗ, vung vãi theo một vệt dài, kéo từ hồ Tây qua Thụy Khuê rồi sang thôn Ngọc Hà. Người xã viên chài lưới hồ Tây, người thợ lò da Thụy Khuê phải dọn dẹp mặt hồ, mặt sân nhà máy. Người trồng hoa tập thể phải vun quén lại góc vườn bông. Ngồi trực thăng ta mà nhìn xuống những điểm có các đuy-ra Mỹ vãi rụng, thấy như đó là những thoi vàng hồ rắc (thoi vàng làm bằng hợp kim cao cấp Mỹ), đánh dấu cho một đợt chót đám ma Mỹ xâm lược. Bên cạnh bờ sông Tô Lịch, tô hô một tảng cánh Mỹ. Cánh B.52 thường là dài gần sáu chục thước, cách cấu trúc lòng cánh dập đúng theo hình lục lăng của tổ ong.

Tại xóm 9 Thụy Khuê, sập mất mấy ngôi nhà. Cả một cái đầu B.52 rớt xuống, hỏng nhà, hỏng cả mui luyện bể nước mưa kinh niên.

Thằng B.52 này trúng tên lửa ngoại thành, rụng xuống bờ sông Tô Lịch nội thành, rơi xuống, rụng xuống như một quả bom nổ, cháy rừng rực từ mười một giờ đêm. Buồng lái lộn tùng phèo, xác giặc bay đã lấy đi rồi. Cao su bọt biển nhân tạo đệm ở bành tựa còn vấy máu. Cách đấy vài thước, hoa tươi vẫn nở bầm bầm một màu đỏ máu vượn. Nách cần lái nó bẹp dúm, mấy đồ hộp Hoa Kỳ do bang Ha-va-i thứ 49 của liên bang Hoa Kỳ sản xuất. Thằng giặc chưa kịp khui ăn khui uống thì đã chết tươi. Nhìn máu thằng chết còn dính vào đồ hộp bẹp, nghe như vẳng lên cái điệu hát: “Vĩnh biệt Ha-va-i”. Nó là thứ đồ hộp đựng bảy thứ quả đã ép ra nước như nho, dứa… Ông chủ nhà chết hụt vì cái đầu lâu B.52 này vừa cạp cái bắp ngô nhồm nhoàm, vừa chửi: “Mẹ cha nó, mình ăn ngô, nó ăn nước nho hộp để ném bom mình”. Bà vợ nói tiếp cho chồng: “Ăn ngô đà đánh được thằng ăn nước nho hộp, thế càng giỏi chứ sao”.

Một cục Mỹ nữa đã được kéo ra gần chuồng hổ Bách Thú Bách Thảo. Anh phụ trách chuồng gấu, báo, hổ, gác đó khẩu trung liên, kể lại rằng đêm hôm nọ ghê quá, nghe chung quanh nổ cứ sôi lên như bão bể: “Tôi cứ phải bám sát lũ thú dữ, nếu bị bom hoặc B.52 nó rơi làm vỡ chuồng, thì là tôi phải bắn ngay mấy con hổ, báo, gấu này. Nếu bọn này mà xổng chuồng vỡ mà vào phố, thì còn ra sao nữa”. Tôi nhìn cục vỡ B.52 lại nhìn lũ gấu con, gấu mẹ đang nhảy đầm trong cũi mà lại cứ tưởng rằng chúng đang nhảy liên hoan mừng xỏ B.52 tan xương cạnh nó.

Năm nay Hà Nội ăn tết to thật đấy! Riêng một mình Thủ đô mà xơi của nó hăm ba cỗ B.52. Có bao nhiêu đào, cúc, quất, là người Hà Nội mua cho bằng hết với bất kể giá nào. Đúng thế, hoa Tết này là dành cho những người chiến thắng, hoa ta ta trồng chậu ta, hoa Tết ta nhất định không phải là nở cho những tên trọc phú thả mìn gỡ mìn từ trường nào. Ông cụ viết câu đối Hàng Bồ bảo rằng, theo lời tổ tiên tám, chín đời nói trong gia phả, thì cái năm vua Tây Sơn đuổi xâm lăng nhà Thanh khỏi Hà Nội và giỗ trận thì hoa hoàng mai nở rất nhiều, Bạch Mai, Hoàng Mai, Tương Mai, quanh chỗ ông đội trạm nhà trạm cung Hoàng Mai của “phu trạm công văn triều đình” hoa mai vàng nở rất nhiều.

Năm nay, cúc được mùa to. Nhìn hoa Tết năm nay, thấy nhớ nhớ mai vàng nở mừng vua Quang Trung đuổi xong giặc. Thấy nhớ cái Tết tiếp quản đào chiến thắng nở từ rừng Điện Biên Phủ kéo về, đỏ rực cả phố sông Tô Lịch.

Ga Hàng Cỏ, bờ này bờ kia sông Hồng, mấy hôm nay đã inh ỏi tiếng còi tàu hỏa của năm tuyến đường sắt đã phục hồi. Còi tàu Tết rúc lên rền vang như càng giục hoa Tết nở bung và tản theo ra khỏi Thủ đô cùng với những người Hà Nội đi ăn Tết ở các tỉnh, các miền quê xa.

Nguyễn Tuân