Bên ụ súng Hà Nội, một đám cưới phòng không
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:58, 07/12/2012
Chao ôi, mình không phải là "Chúa trời để được có mặt khắp nơi" cùng một phút một giờ! Gần chỗ tôi ăn nằm chỉ có trăm rưởi thước chim bay cũng lại đang nói cười cả một đám cưới mà cô dâu mới về vừa vượt qua trận địa tội ác Mỹ ở Nhổn, mà chú rể cũng vừa vượt qua mọi hậu quả bom Yên Viên nhập nội kịp giờ cưới.
Giây phút thanh bình hiếm hoi trong những ngày cuối tháng 12-1972.
Hôm nay bận quá. Chả còn tham gia được vào cuộc vui nào nó rất là chính đáng cần thiết, nhất là những lúc đang phải làm nhiều nhiều này. Lại còn cho vợ, cháu, con sơ tán lại. Nhưng, muốn gì thì gì, tôi phải đi kiếm một bó hoa tử tế để mừng một cặp thanh niên có thành tích bảo vệ trời Hà Nội này mới được.
Cùng mấy bạn đồng nghiệp trẻ, tôi tiến vào phòng cưới. Phòng cưới lộ thiên, căng một màn phông xanh lơ, một thứ màu da trời trong vắt (không vẩn một vệt mây xốp nào có thể là nơi ẩn nấp của tàu bay địch!). Mười bốn bàn lớn nhỏ xếp theo ba hàng, đã bày sẵn trên mảnh ruộng khô nẻ còn vương chân gốc rạ mùa gặt vừa qua. Bàn to, bàn nhỏ đều cấu trúc bằng đui đạn 100 ly, mũi đạn cắm xuống mặt ruộng. Và trên bàn đã sẵn sàng chén uống trà, kẹo và thuốc quấn. Bàn to hình quả trám, 36 quả đạn xếp theo sáu hàng sáu quả. Bàn nhỏ 16 quả theo bốn hàng bốn. Trang trí màn phông da trời có chữ triện song hỉ, có dòng chữ 25/XII/72, có đôi chim bồ câu trắng, có dòng chữ cắt to nét: "Hạnh phúc trong chiến đấu". Chung quanh sân cưới là dăm bảy ụ súng tầm cao 100 ly, nòng súng hếch hếch nghe ngóng chân trời. Xa xa thấp thoáng trong sương chiều Mễ Trì đôi cọc thép dáng vóc lênh khênh quen thuộc. Trận địa sân cưới là đất của nhà trai. Nhà gái ở cách nhà trai khoảng 1.500 thước chim bay. Chú rể và cô dâu đã nhất định chọn ngày lành tháng tốt này từ mấy tháng nay. Dâu và rể đều sáu tuổi xí nghiệp, cùng vào Nhà máy Cơ khí Hà Nội một lúc, anh là thợ sửa chữa cơ khí, chị là thợ đúc khuôn. Anh quê vùng quan Đề Hoàng Hoa Thám. Chị quê ở một tỉnh rất đôn hậu miền Nam hạ. Chị là xạ thủ số 1 sử dụng nòng 14 ly 5 vào loại không vừa. Anh là trung đội trưởng một đại đội tự vệ pháo tầm cao của công nhân khu Đống Đa. Tức là "lê-tu-ve-ca-rê" đấy (hồi kháng chiến chống Pháp trước, nổ súng tại Hà Nội để báo hiệu Toàn quốc kháng chiến, Pháp gọi dân quân Hà Nội là đám tự vệ sao vuông và rất gờm thứ sao vuông chưa sao tròn này). Đạn của đại đội công nhân nhà máy này (tên cũ là Trung quy mô) nặng mỗi quả trên ba yến: mới thành lập nhưng đã tham gia các trận bảo vệ trời Hà Nội bằng sáu trăm phát dư tầm cao phối hợp với tên lửa, và đã hạ được F.8 hiện đại quái quỷ của Hoa Kỳ. Càng thấy nhớ Trung đoàn Thủ đô, từ 26 năm nay đã tạo ra những truyền thống gái trai Hà Nội trí dũng có thừa này. Chao ôi, tự vệ sao vuông ngày nay đã đánh giỏi bằng đại bác 100 ly, càng thấy nhớ cái ngày tự vệ Hà Nội còn phải đánh bằng súng tay phát một.
Nhà gái tới, cắt ngang mạch hồi ức của tôi. Cô dâu đã từ bên trận địa pháo tầm thấp băng qua các thửa ruộng ngoại thành xanh rờn lá su hào, cải vồng, cải bẹ, mà tiến vào sân ruộng cưới: áo vàng hoàng yến, áo phấn hồng, áo đỏ. Ba cô phù dâu (đều là áo dài tha thướt như áo của cô dâu, bên mép ruộng khô xanh xanh), một cô là trung đội phó pháo vừa, hai cô là bộ binh tiểu liên, quê cũng quanh quanh vùng này cả, một cô giáo quê ở ngay Khâm Thiên.
Phút này, tôi thấy Ních-xơn chẳng ra quái gì cả. Tôi không chủ quan khinh thường nó, nhưng ý tôi muốn nói là phút này tôi không mảy may tích tắc nghĩ tới những cái bẩn thỉu ấy. Nhà trai đốt pháo. Nghĩa là đốt cái thứ pháo như trẻ con ngày tết hay gỡ lẻ ra đốt cái một. Nhưng đây là đốt hàng tràng. Phải nói ngay rằng đơn vị nhà trai nhà gái, cả cô dâu chú rể không ai gởi thiếp cho tôi cả. Tôi là người khách không ai mời nhưng mọi người vui vẻ nhận tôi được có phần vào ngày vui này của một trận địa ven thành Hà Nội. Quà mừng cưới của tôi chỉ vẻn vẹn một bó hồng nhung và một tấm lòng Hà Nội cả tin Hà Nội và lớp trẻ của nó. Nhìn gần, cả cô dâu, và ba cô phù dâu đều đúng là mày ngài mắt phượng và sao mà mắt sắc đến thế. Hẳn là mắt ấy rất đẹp, nhưng ý tôi muốn nhấn vào cái khía này: những con mắt ấy, cái đức tính sắc ấy bắt mục tiêu các thứ F cũng nhanh lắm đó. Lại một tràng pháo nữa.
Trong khói pháo ven thành mắt tôi rơm rớm buộc tôi nghĩ lùi về tất cả mọi đám cưới từ ngày chúng ta mất nhiều công của để bảo vệ bầu trời xanh ngắt Hà Nội, tức là bầu trời của toàn quốc Bắc Nam. Chà, cô dâu cao xạ đeo găng ren dua, tháo găng tay, bắt tay mọi người sau tuần trà. Chà, chà, cũng rất có thể trong đêm tân hôn này, nửa đêm về sáng, súng Hà Nội lại nổ rền, và hai bàn tay cô dâu lại đeo một thứ găng tay khác nó vẫn màu dầu mỡ để chỉnh súng nòng 14 ly 5.
Cả đơn vị giục cô dâu pháo tầm thấp và chú rể pháo tầm cao phát biểu. Chú rể hội ý chớp nhoáng với cô dâu xong liền nói: "Sang năm 1973, chúng tôi bảo đảm X giây một phát". Cả sân cưới cười vang. Thì ra ở đơn vị chính quy, kỷ lục bắn nhiều, bắn nhanh là Y giây một phát, mà đây thì còn phải tiến tới nữa. Phải bắn trúng, phải bắn gấp, bắn nhanh hơn nữa để bảo vệ sự sống và trả thù cho mọi cuộc sống bị bom Mỹ cắt ngang vào. Phía chân giời xa kia xóng xoài gạch và bê tông vụn nát của Bệnh viện Bạch Mai bị nó B.52 lúc đầu canh năm 21/12/72. Nữ bác sĩ của bệnh viện là Ngô Thị Ngọc Tường, nếu không có Ních-xơn B.52, thì hôm nay cũng tay cầm một bó hoa trắng mà tiến vào một bàn cưới trắng ngần. Lúc liệm nữ bác sĩ với quần áo cô dâu mới tinh, nhà đám không quên đặt vào lòng quan tài tấm thiếp mời dự cưới chị đề ngày Nô-en 1972.
Một buổi chiều ngoại thành Hà Nội. Nó lâng lâng một nỗi niềm tin yêu sự sống trước mắt vào bao la sau này. Từ buổi kẹo liên hoan đây, cho tới ngày mai kia và ngày đánh Mỹ nào mà có súng tầm cao tầm thấp phối hợp với không quân cùng tên lửa, tôi tưởng rằng tôi có thể nhận ra cái tiếng "kẹo đồng" nổ riêng của lứa đôi Hân Hiền này đang xây dựng hạnh phúc. Và cùng mọi trận địa miền Bắc, bảo vệ lấy hạnh phúc mình và hạnh phúc của tất cả.
Từ đám khói pháo lành vui ra về, tôi hỏi một anh bạn trẻ tự vệ:
- Đơn vị chắc di chuyển luôn. Hôm nào đó có thêm thành tích, mình trở lại đây, thì tìm các cậu ở đâu?
- Đồng chí cứ tìm anh chị em ở chỗ nào có súng nổ lên.
(Đăng trên Báo Hànộimới tháng 1-1973)