Đa dạng phương thức tập hợp hội viên

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 07/12/2012

(HNM) - Mặc dù quận Cầu Giấy có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp còn ít, song hoạt động của Hội Nông dân (HND) quận thời gian qua vẫn thể hiện được vai trò nòng cốt xây dựng phong trào vững mạnh. Đó là nhờ các cấp hội không ngừng đổi mới, đa dạng phương thức hoạt động.

Nhờ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ gia đình tại Dịch Vọng Hậu đã khôi phục và tiếp tục phát triển nghề làm cốm truyền thống. Ảnh: Minh Nguyễn 


Chủ tịch HND quận Cầu Giấy Chu Thị Tuyết Anh cho biết, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, định hướng giúp nông dân nắm vững chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, chính sách về quản lý đất đai, trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng… nhằm nâng cao nhận thức, giúp họ thích nghi với nếp sống đô thị, chuyển sang các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Toàn quận hiện có 10 chi hội nghề nghiệp, 12 tổ hội nghề nghiệp hoạt động ở tất cả các phường. Bằng nhiều biện pháp thiết thực như hỗ trợ về vốn, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề, phối hợp với chính quyền tạo điều kiện về địa điểm cho nông dân mở xưởng sản xuất, làm dịch vụ kinh doanh, đến nay trên 90% nông dân quận Cầu Giấy đã chuyển được nghề và có cuộc sống ổn định. HND quận Cầu Giấy còn thường xuyên đổi mới nội dung, hướng mạnh hoạt động về cơ sở để tăng cường thu hút tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện vai trò trung tâm nòng cốt trong các phong trào. Hội còn khai thác có hiệu quả nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân do thành phố ủy thác và nguồn do quận, phường xây dựng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp hàng nghìn hội viên có vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ. Hội đã phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp bố trí địa điểm kinh doanh, mở xưởng sản xuất cho hơn 1.800 hội viên tại các khu đất xen kẹt, chợ… vận động hội viên khôi phục và phát triển nghề truyền thống như làm cốm (Dịch Vọng Hậu), làm giấy (Yên Hòa), nghề thủ công (Nghĩa Đô)… Từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh do hội phát động, số hộ giàu ngày càng tăng, toàn quận chỉ còn 9 hộ nghèo.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nông dân Cầu Giấy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Nhiệm kỳ 2007-2012, Hội đã tặng 12 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, nhận đỡ đầu 6 cháu, trợ cấp 163 hộ có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán và đầu năm học mới với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Với nhiều địa phương, đô thị hóa sẽ làm giảm số hội viên, hoặc khó kết nạp thêm hội viên nhưng ở Cầu Giấy, từ năm 2007 đến nay, năm nào cũng kết nạp được hội viên mới; thành lập chi hội, tổ hội mới. Nhiệm kỳ vừa qua, HND đã kết nạp thêm 687 hội viên; thành lập 31 chi hội, 34 tổ hội mới trong đó có cả bộ đội, cán bộ nghỉ hưu cũng tham gia.

Nhiệm kỳ 2012-2017, HND quận Cầu Giấy phấn đấu 90% chi hội không có hội viên vi phạm các tệ nạn xã hội; giúp đỡ 100% hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; dạy nghề cho 80-100 hội viên/năm; tham gia giải quyết việc làm tại chỗ cho 600-800 lao động; 100% hộ nông dân đăng ký thực hiện cuộc vận động vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân chỉ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn... Nông dân ở đây thấy các hoạt động của hội đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng nên rất nhiệt tình tham gia.

Kết quả hoạt động của HND quận Cầu Giấy cho thấy, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hội viên là sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các ban, ngành, các đoàn thể trong quận. Chủ tịch HND Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho rằng: Các cấp HND phải làm tốt việc tuyên truyền để hội viên ở các chi, tổ hội hiểu được đô thị hóa là một quá trình tất yếu. Vai trò, nhiệm vụ của các cấp hội phải xây dựng được nhiều chi hội nghề nghiệp hoạt động, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, phát huy nghề truyền thống của địa phương góp sức xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. 

Sơn Tùng