Định hướng đào tạo và thị trường lao động: Mối liên kết lỏng lẻo
Đời sống - Ngày đăng : 05:58, 07/12/2012
(HNM) - Việc thiếu thông tin về việc làm, thông tin định hướng ngành học và tư vấn nghề đang là vấn đề gây bức xúc. Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa nội dung đào tạo với nhu cầu xã hội, trách nhiệm trước tiên đặt lên vai các cơ sở giáo dục ĐH.
Thiếu thông tin, thiếu chủ động
Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khảo sát đối với 3.000 SV đã tốt nghiệp, trong đó tập trung vào nguyên nhân xin việc không thành công của SV sau khi ra trường. Kết quả cho thấy SV thiếu thông tin về việc làm chiếm tỉ lệ cao nhất - 59,2%. Các lý do tiếp theo là trình độ ngoại ngữ, vi tính còn hạn chế, thiếu mối quan hệ cần thiết để xin việc, trình độ học vấn chưa phù hợp...
Sinh viên mới tốt nghiệp đại học rất khó khăn để tìm việc làm. |
Theo TS xã hội học Trịnh Văn Tùng (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội), nền giáo dục nước ta nói chung và bậc ĐH nói riêng, định hướng nghề và tư vấn nghề chỉ là những hiểu biết manh mún, có khi được đặt ra một cách… tình cờ và thiếu tính chuyên nghiệp. Những khiếm khuyết nói trên làm cho mối liên hệ giữa đào tạo và thị trường lao động ngày càng lỏng lẻo, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc như lãng phí chất xám, nhân lực. Về cơ bản, SV được định hướng ngành học theo năng lực (điểm học tập gắn với điểm chuẩn vào ngành đó), tuy nhiên, khá nhiều người quan niệm rằng, việc vào được trường ĐH "vừa sức" để rồi một ngày kia được nhận tấm bằng tốt nghiệp ĐH mới là quan trọng. Đó là quan điểm không phù hợp thực tế bởi, lẽ ra, chọn học ngành gì để có được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp mới là điều mà họ phải nghĩ tới nhiều nhất. Ngoài ra, SV gặp nhiều khó khăn khi chọn nghề còn là do thông tin về các nghề gắn với ngành học của họ còn thiếu nghiêm trọng.
Bên cạnh việc chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin về việc làm, con đường đến với nghề của SV trở nên xa hơn bởi chính họ cũng thiếu chủ động tìm hiểu về công việc. Theo một khảo sát của Khoa Tâm lý học (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) đối với hơn 140 SV năm thứ ba và năm thứ tư, chỉ có 27,7% biết rõ và kể được chính xác yêu cầu trong lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến chương trình mà họ được đào tạo. Đa số SV chưa dành thời gian tìm hiểu trước những yêu cầu của nghề mà bản thân đang chuẩn bị. Trong thực tế, rất hiếm khi SV nhận được sự tư vấn, rằng với đặc điểm tâm lý hay nhân cách ấy, với nhu cầu xã hội cụ thể thì họ nên học như thế nào, chọn gì giữa vô vàn con đường đang mở ra trước mắt.
Cần nhiều kênh hướng nghiệp
Hướng tới một công cụ tư vấn hướng nghiệp hữu ích cho SV, TS Trịnh Văn Tùng cho rằng, trước tiên cần có sự đầu tư ban đầu dưới dạng một trung tâm tư vấn hướng nghiệp như ở ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) hiện nay. Trung tâm này quy tụ nhiều nhóm tri thức, những người góp phần cung cấp thêm cho giảng viên môn học, ngành học những thông tin bổ ích để tăng cường đam mê học tập của SV, đồng thời luôn điều chỉnh "chuẩn đầu ra" của chương trình đào tạo. Với những SV cần lời khuyên thường ngày, đây sẽ là địa chỉ đầu tiên được giảng viên giới thiệu. Bên cạnh đó, các giảng viên cần được trang bị thêm kiến thức về tâm lý hướng nghiệp, thông tin về việc làm... để có thể lồng ghép vào nội dung giảng dạy.
Tìm việc làm là điều rất khó với sinh viên mới ra trường. |
Các cựu SV cũng có thể là kênh quan trọng để SV tiếp cận với thị trường việc làm. TS Nguyễn Quang Vinh (ĐH KHXH&NV -ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là đối tượng nắm rõ nhất sự thiếu hụt về kỹ năng, kiến thức mà cơ sở đào tạo trang bị cho người học cũng như cách thức để bù đắp, khắc phục điều đó. Tuy nhiên, việc này cần có một hệ thống thông tin liên tục và thông suốt, có khả năng cập nhật nhanh. TS Nguyễn Quang Vinh cho rằng, với nền tảng hạ tầng thông tin hiện nay, việc thiết kế và vận hành một hệ thống như vậy không quá khó và tốn kém. Hệ thống này hoạt động như một kênh thông tin tuyển dụng, giúp người học và giảng viên nắm bắt các thông tin về thị trường lao động cũng như yêu cầu của người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, nói tới cơ hội việc làm của SV thì không thể bỏ chất lượng đào tạo. Theo TS Lê Hữu Phước (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), để hỗ trợ cơ hội nghề nghiệp cho SV thì hiển nhiên một trong những đòi hỏi chính đáng mà nhà trường nhất thiết phải thực hiện là điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm "lý thuyết kinh viện", tăng tính thực tế, thực hành. Nhà trường cũng rất cần bổ sung kiến thức liên ngành, kiến thức xã hội bên cạnh kiến thức chuyên ngành, chú ý đào tạo ngoại ngữ và tin học cho SV.