Hà Nội dự tính chi hơn 12.562 tỷ đồng xây dựng nhà tang lễ đến năm 2020
Xã hội - Ngày đăng : 16:02, 06/12/2012
Trong tờ trình về quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, UBND Thành phố cho biết, hiện tổng diện tích đất xây dựng nghĩa trang của Thành phố là 2.744 ha (chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên), trong đó có 6 nghĩa trang tập trung thành phố; 3 nghĩa trang cấp huyện; 2336 nghĩa trang cấp xã, thôn. Ngoài ra, thành phố có Nghĩa trang Văn Điển là cơ sở hỏa táng duy nhất trên địa bàn.
Thành phố hiện có 18 nhà tang lễ, phân bố chủ yếu trong khu vực nội thành.
Với tốc độ phát triển và quy mô dân cư, việc quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ đáp ứng nhu cầu táng trước mắt và lâu dài của nhân dân Thủ đô đồng thời phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại là cần thiết.
Trên cơ sở đó, thành phố đặt mục tiêu quy hoạch phải đảm bảo cụ thể hóa định hướng phát triển nghĩa trang trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn Hà Nội; làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, với nghĩa trang, quy hoạch được xác định trên cơ sở Nhiệm vụ Quy hoạch, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và nhu cầu sử dụng nghĩa trang của Thủ đô. Cụ thể, Thành phố sẽ mở rộng các nghĩa trang tập trung Thanh Tước, Vĩnh Hằng, Yên Kỳ; Quy hoạch xây dựng các Nhà hỏa táng nằm trong nghĩa trang tập trung của Thành phố và phát triển nghĩa trang tập trung mới ở các khu vực sau:
Khu vực phía bắc: xây mới các nghĩa trang thuộc huyện Đông Anh với diện tích 20ha; Minh Phú – Sóc Sơn với diện tích 100ha phục vụ nhu cầu của nhân dân các khu đô thị huyện Đông Anh, Sóc Sơn…; Khu đô thị huyện Mê Linh sử dụng nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh);
Khu vực phía đông: Xây mới nghĩa trang Trung Màu với diện tích 53ha. phục vụ các khu đô thị Long Biên, Gia Lâm.
Khu vực phía nam: Xây dựng nghĩa trang xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) với diện tích 21ha.
Khu vực phía tây: Xây dựng nghĩa trang tại xã Trần Phú - huyện Chương Mỹ, diện tích 22ha; Nghĩa trang Mai Dịch 2 - huyện Thạch Thất, diện tích 100ha.
Đồng thời, thành phố sẽ từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện có đã hết khả năng khai thác.
Với nghĩa trang tập trung cấp huyện, thành phố mở rộng nghĩa trang nhân dân Thị xã Sơn Tây; Xây dựng mới 9 nghĩa trang tập trung huyện phục vụ khu vực Đô thị và nông thôn trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức.
Với nghĩa trang cấp xã, bố trí mỗi xã có từ 1 đến 2 nghĩa trang tập trung cấp xã (tùy thuộc diện tích, địa giới hành chính và quy mô dân số theo quy hoạch nông thôn mới).
Hiện tại, tiếp tục sử dụng các nghĩa trang hiện có phân tán, khuyến khích, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dần sang hình thức hỏa táng. Các nghĩa trang phân tán, có quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách ly, hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang phải có kế hoạch đóng cửa, trồng cây xanh cách ly, khi có nhu cầu sử dụng đất phải di chuyển đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch. Các nghĩa trang hiện có, đủ điều kiện tồn tại đáp ứng được yêu cầu về quỹ đất thì có thể xem xét mở rộng, xây dựng theo quy hoạch.
Khu vực nông thôn có nhu cầu hỏa táng sử dụng nhà hỏa táng gần nhất trong các khu vực.
Vị trí cụ thể các nghĩa trang xã được xác định trong các quy hoạch nông thôn mới trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chí đã xác định trong Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội, làm cơ sở để quản lý các nghĩa trang theo quy hoạch, phù hợp phong tục tập quán của mỗi địa phương.
Về các cơ sở hỏa táng, thành phố sẽ xây dựng các cơ sở hỏa táng trong các nghĩa trang tập trung của Thành phố như: Nghĩa trang Yên Kỳ, Nghĩa trang Thanh tước, Nghĩa trang Minh Phú ... Ngoài ra, xác định địa điểm xây dựng cơ sở hỏa táng tại khu vực phía bắc và phía tây thành phố tại huyện Chương Mỹ và huyện Đông Anh.
Về mạng lưới nhà tang lễ, theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn thành phố có 32 nhà tang lễ; Đến năm 2030 có 38 nhà tang lễ; Đến năm 2050 có 44 nhà tang lễ. Vị trí xây dựng nhà tang lễ được quy hoạch ở những địa điểm đảm bảo khoảng cách ly, thuận tiện về giao thông và không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Theo đó, Thành phố sẽ nâng cấp cải tạo 11 nhà tang lễ hiện có; tiếp tục xây dựng 7 nhà tang lễ đang lập dự án triển khai xây dựng và xây mới 26 nhà tang lễ.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ Quy hoạch là hơn 29.715 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2012 – 2020 hơn 12.562 tỷ đồng; giai đoạn 2020 – 2030 hơn 5.636 tỷ đồng; giai đoạn 2030-2050 là 11.517 tỷ đồng.
Nguồn vốn này sẽ được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ chi nhánh quỹ hỗ trợ phát triển của Thủ đô Hà Nội, mở rộng các hình thức BOO, BOT, PPP.
Đề xuất quy hoạch của UBND Thành phố đã được các đại biểu HĐND Thành phố thông qua với tỷ lệ 82,1%.