Nhận thức đúng, hành động kịp thời

Công nghệ - Ngày đăng : 06:42, 05/12/2012

(HNM) - Chuyển đổi mô hình, hướng đến


Theo nghiên cứu của Trung tâm Bảo vệ tầng orôn, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), BĐKH ngày càng tác động rõ rệt đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên 0,5-0,7 độ C, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè, vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn phía Nam; lượng mưa trung bình cả nước giảm khoảng 2%; tần suất bão có cường độ mạnh hơn, hướng di chuyển dị thường, mùa bão kết thúc muộn. Số liệu quan trắc tại Trạm hải văn học Hòn Dấu, mực nước biển đã dâng 20cm, tiêu diệt nhiều loài vi sinh vật nước ngọt. So với hiện nay, vào năm 2070, dòng chảy sông/năm biến đổi trong khoảng từ dương 5,8% xuống âm 19% đối với sông Hồng và dương 4,2% xuống âm 14,5% với sông Mê Kông; dòng chảy lũ biến đổi trong khoảng từ dương 12% xuống 0,5% đối với sông Hồng và từ 15% xuống 7% với sông Mê Kông. Xâm nhập mặn có thể lấn sâu nội địa 50-70km làm ngập 36 khu bảo tồn ven biển, trong đó có 13 vùng bị ngập nặng khi nước biển dâng 1m.


Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều giống cây ăn quả được chăm sóc cẩn thận nhưng năng suất thu hoạch chưa cao. Ảnh: Thái Hiền


So với các ngành kinh tế, ngành nông nghiệp bị tổn thương và ảnh hưởng nhiều nhất do lũ lụt, hạn hán đối với các vùng thấp như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng dẫn tới cây trồng chết hàng hoạt. Những đặc điểm cơ lý của đất như độ tơi xốp, độ liên kết, hàm lượng các chất dinh dưỡng và vi sinh vật giảm đáng kể, đất trở nên khô cứng, bị nén chặt. Năng suất lúa ở khu vực Bắc bộ vào năm 2050 có thể giảm 12,5% và đến năm 2070 giảm 16,5%, Trung bộ giảm 10%, Nam bộ giảm 8%; năng suất ngô vụ đông tại Nam bộ và Trung bộ giảm 3-6% vào năm 2050 và 4-8% vào năm 2070. Nguồn thức ăn chăn nuôi giảm sút và khả năng sinh bệnh, truyền bệnh dịch của đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng đợt rét kéo dài 33 ngày đầu năm 2008 đã có 33.000 con trâu bò và hàng nghìn hécta đầm nuôi tôm ở các tỉnh phía Bắc bị chết, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng do nước biển dâng làm giảm diện tích rừng ngập mặn. Ranh giới rừng nguyên sinh cũng như rừng thứ sinh có thể dịch chuyển, động vật, thực vật nguy cơ bị diệt chủng.

Chủ động ứng phó và thích nghi

Tại hội thảo "Kinh tế xanh trong điều kiện BĐKH" giữa Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa diễn ra, đã báo động lo ngại trước những tác động tiêu cực của BĐKH. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phạm Văn Khánh, Hà Nội đang chịu ảnh hưởng của BĐKH ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Riêng huyện Sóc Sơn và Chương Mỹ từ năm 2008 đến nay ước thiệt hại về kinh tế lên tới 337,618 tỷ đồng do bị úng ngập, lốc xoáy và cháy rừng. Tại huyện Phú Xuyên, quá trình khoan ở độ sâu 40m, đã có dấu hiệu nước lợ, không sử dụng được. Ông Phạm Văn Khánh cho rằng, cần nhận thức rõ trong tư duy những dấu hiệu bất thường đó như một nguy cơ để có biện pháp thích nghi và chủ động ứng phó.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hùng, Văn phòng Chương trình điều phối hỗ trợ ứng phó với BĐKH cho biết, Việt Nam đã xây dựng chính sách từ bỏ phát triển kinh tế theo hướng "ô nhiễm trước, xử lý sau" để chọn kinh tế xanh làm mô hình phát triển mới. Thay vì sử dụng nguyên liệu hóa thạch gây ra những tổn thất lớn cho hệ sinh thái, kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả hơn. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nâng cao nhận thức để xây dựng phát triển "nền kinh tế xanh" và tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển các hoạt động ứng phó với BĐKH. Theo thạc sĩ Trần Mai Hương, Khoa Môi trường (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải các bon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh kế xanh không phải thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Với nước ta, kinh tế xanh còn mới mẻ, nhưng bằng hành động kịp thời và coi đó là sự đầu tư tốt nhất nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thúy Nga