Có nguyên nhân từ chất lượng hạ tầng

Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 04/12/2012

(HNM) - Ý thức người tham gia giao thông hạn chế lâu nay vẫn được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta. Các cơ quan chức năng có cơ sở chắc chắn để đưa ra nhận định này và xét cho cùng, mọi nguyên nhân đều từ con người mà ra.

Thực hiện nghiêm túc luật giao thông sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: Thái Hiền


TNGT  là vấn nạn, mối đe dọa tiềm tàng, thường trực đối với mỗi người dân và toàn xã hội trong những năm qua. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm, TNGT đã cướp đi sinh mạng của khoảng 11 nghìn người, trong đó đa phần đang trong độ tuổi lao động. Để khắc phục hậu quả, dự tính mỗi năm mất khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động. Thống kê cho thấy, từ 93% đến 97% số vụ TNGT do con người gây ra. Như vậy, nói lỗi do người tham gia giao thông ý thức kém là không sai. Nhưng điều chỉnh, thay đổi ý thức người tham gia giao thông là việc không dễ và có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, đặc biệt là với điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại.

TNGT xảy ra do 3 nguyên nhân chính gồm kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện và ý thức người tham gia giao thông. Bài viết này không đề cập tới ý thức người tham gia giao thông, cũng không nói tới an toàn kỹ thuật, mà tập trung vào vấn đề chất lượng hạ tầng.

Theo Phó GS, TS Doãn Minh Tâm, Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam), nhiều năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước nhận định nguyên nhân gây TNGT do hạ tầng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, nghiên cứu vào thời điểm trước năm 2000 tại Vương quốc Anh, nơi có hạ tầng tốt, thuận lợi hơn nước ta, cho thấy 28% vụ TNGT do chất lượng hạ tầng. Có thể cách nhìn nhận, đánh giá về nguyên nhân tai nạn chưa thống nhất, hoặc điều kiện cụ thể khác nhau nên có đánh giá khác nhau. Mặc dù vậy, việc hội nghị ATGT quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội đã có hẳn một tiểu ban về hạ tầng giao thông đã phần nào khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực này.

Cơ quan chức năng không thể chủ động điều chỉnh ý thức người tham gia giao thông, nhưng hoàn toàn chủ động được việc phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng. Hệ thống hạ tầng giao thông nước ta hiện còn thiếu đồng bộ, hạn chế, không đồng cấp. Những năm qua, Nhà nước đã ưu tiên đáng kể kinh phí cho phát triển giao thông. Khi hạ tầng giao thông tốt, hoàn thiện, chắc chắn sẽ có tác động đến ý thức người dân. Đáng tiếc, chất lượng quy hoạch, việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông hiện nay còn không ít hạn chế. Hàng loạt dự án liên tục chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề; các "điểm đen" xóa mãi chưa hết… Chẳng đâu xa, hai tuyến đường hiện đại được đưa vào sử dụng năm 2010 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là Đại lộ Thăng Long, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là những ví dụ điển hình về chất lượng. Tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện ổ gà khiến giám đốc điều hành dự án bị cách chức. Đại lộ Thăng Long thì bị Bộ GTVT yêu cầu xử lý lại độ bằng phẳng mặt đường. Rồi mặt cầu Thăng Long vừa làm xong đã bung bét… Chất lượng hạ tầng giao thông cũng chính là một trong những bức xúc được các đại biểu không ít lần đưa ra chất vấn tại Quốc hội. Dự án thực hiện đúng tiến độ chắc chắn sẽ bảo đảm hơn những dự án bị chậm hàng năm trời. Thế nhưng, "điệp khúc" chậm tiến độ vẫn luôn "ngân vang" tại nhiều công trình, dù năm 2011, 2012 đã được Bộ GTVT xác định là Năm chất lượng công trình để đẩy nhanh, nâng cao chất lượng dự án.

Trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030, được Chính phủ ban hành ngày 24-10-2012 đã nhấn mạnh tới phát triển, cải tạo, nâng cấp và tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quốc lộ, trong đó đặc biệt ưu tiên quốc lộ có tình hình tai nạn nghiêm trọng. Hy vọng, các cơ quan quản lý nhà nước từ TƯ đến địa phương ý thức tốt về nhiệm vụ, vai trò để nâng cao chất lượng hạ tầng, từ đó kéo theo ý thức người tham gia giao thông tốt lên.

Nguyễn Đức