Công tác phòng chống tham nhũng năm 2012: Còn nhiều thách thức
Chính trị - Ngày đăng : 07:23, 04/12/2012
Các dự án đầu tư xây dựng là một trong những lĩnh vực có nhiều thất thoát trong thời gian qua. Ảnh: Đàm Duy |
Sai phạm hàng trăm tỷ đồng
Năm 2012, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã thực hiện 271 cuộc thanh tra. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ thất thoát như quản lý dự án, đầu tư xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với nhà nước đối với các dự án giao đất, cho thuê đất, các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, công tác thu, chi ngân sách, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, kiên cố hóa trường học, lớp học, nhà ở công vụ cho giáo viên cũng là nội dung được lựa chọn thanh tra trong năm nay.
Kết quả, các cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm 618,2 tỷ đồng và 8.412.195m2 đất, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 578,5 tỷ đồng; thu hồi 8.231.534m2 đất; đưa vào quản lý 180.660m2 đất; kiến nghị xử lý khác 9,2 tỷ đồng. Đã xử lý hành chính 35 tập thể và 47 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn tới thất thoát, sai phạm. Đáng chú ý, qua thanh tra, tự kiểm tra nội bộ, tại huyện Sóc Sơn đã phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm giao đất, thu tiền trái thẩm quyền chuyển cơ quan điều tra. Những số liệu trên cho thấy, năm 2012 số lượng các vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý không giảm mà đều tăng cao hơn so với năm 2011. Cụ thể, CATP khởi tố 32 vụ (tăng 5 vụ); Viện KSND TP thụ lý 42 vụ (tăng 30 vụ) và TAND TP đã xét xử 21 vụ, 60 bị cáo (tăng 10 vụ, 24 bị cáo).
Cảnh báo tình hình tham nhũng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, báo cáo của UBND TP cũng nêu rõ, tham nhũng đang tập trung và tiềm ẩn ở các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, một số vụ tham ô, tham nhũng với tổng giá trị nhiều tỷ đồng đã gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước, doanh nghiệp và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Tăng cường công khai, minh bạch
Một trong những nguyên nhân khiến công tác PCTN chưa đạt kết quả như mong muốn, tại báo cáo thẩm tra về tình hình chấp hành pháp luật năm 2012 của Ban Pháp chế, HĐND TP chỉ rõ: Kết quả phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về kinh tế, tham nhũng chưa đáp ứng với tình hình thực tế. Việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, trật tự đô thị, giao thông, xây dựng... chưa nghiêm, chủ yếu là xử phạt hành chính. Thậm chí, có những vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước nhưng chưa được xem xét đến cùng, hoặc đã xử lý nhưng vẫn cho tồn tại, đã gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận.
Nhận thức rõ những ưu, khuyết trong công tác PCTN, bước sang năm 2013, TP Hà Nội vẫn kiên quyết, kiên trì và quyết tâm thực hiện mục tiêu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính". Xác định PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Hà Nội cũng đã đặt ra hàng loạt biện pháp, trong đó việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tiếp tục được chú trọng. Thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát.
Luật PCTN (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2013 với nhiều điểm mới. Đông đảo cử tri mong muốn ngay tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ đề cập và bàn một cách thấu đáo để công tác PCTN trên địa bàn sẽ đạt được kết quả cao hơn. Cử tri cũng tin tưởng với những nỗ lực của các cấp chính quyền, sự giám sát của các cơ quan dân cử, công tác PCTN của Hà Nội sẽ có những chuyển biến hiệu quả theo hướng rõ người, rõ trách nhiệm và không có bất cứ một vùng cấm nào trong xử lý tội phạm tham nhũng.