Định lượng 6 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 04/12/2012
Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Huy Hùng |
Nhiều chỉ tiêu "lỗi hẹn"
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày cho thấy, trên cơ sở kết quả 10 tháng năm 2012 và ước thực hiện 2 tháng cuối năm, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, kinh tế Thủ đô vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng khá so với bình quân chung của cả nước. Một điểm nhấn đáng quan trọng được cử tri đánh giá cao đó là công tác bình ổn giá cả, hàng hóa trên địa bàn được thực hiện tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 dự báo sẽ được kiểm soát ở mức một con số. CPI sau khi giảm liên tiếp hai tháng 6 và 7, sang tháng 8 và 9 đã tăng cao trở lại chủ yếu do chi phí cho giáo dục, y tế tăng. Sang tháng 10, CPI chỉ tăng 0,37% so với tháng 9 và so với tháng 12-2011 tăng 5,79%. Tăng trưởng dịch vụ cả năm đạt 9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7%, nông - lâm - thủy sản 0,4%. Công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách được chú trọng. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã huy động được 46,95 tỷ đồng (đạt 260% kế hoạch); tặng 9.850 sổ tiết kiệm cho người có công, đạt 265% kế hoạch.
Dù có cố gắng song nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,1%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch và mức tăng cùng kỳ của các năm trước (theo kế hoạch là 10-10,5%). Ước thu ngân sách năm 2012 bằng 95,4% dự toán HĐND TP giao, đạt 96,2% dự toán Chính phủ giao. Đây là lần đầu tiên sau 15 năm thu ngân sách liên tục đạt và vượt, Hà Nội không đạt chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác của Thủ đô cũng không về đích đúng hẹn. Trong đó có các chỉ tiêu về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm, song do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp bình quân tăng cao (4,8%, trong khi năm 2011 là 4,5%); số lao động được giải quyết việc làm ước cả năm đạt 135.800 lượt, bằng 97% kế hoạch. Ngoài ra, những chỉ tiêu khác như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; tổng lượng nước sạch tăng thêm; tỷ lệ 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường... cũng không đạt kế hoạch.
Bước sang năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 8-8,5%, đồng thời đưa ra 6 nhóm giải pháp lớn để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Nhận diện những hạn chế
Đồng tình với những nhận định, đánh giá của UBND TP về tình hình KT-XH, song trong phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng trong các chỉ tiêu đạt kế hoạch, duy nhất có chỉ tiêu tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày khu vực nông thôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, còn 10 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch lại thuộc cả 3 nhóm: kinh tế tổng hợp, văn hóa - xã hội và đô thị - môi trường. Điều này cho thấy sự chưa bền vững trong phát triển của kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của TP Hà Nội không đạt so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Khánh Nguyên |
Đại biểu Hồ Quang Lợi (tổ Hai Bà Trưng) nhận định, hai chỉ tiêu quan trọng là tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 8,1%; thu ngân sách ước đạt trên 138 nghìn tỷ đồng, dù chưa đạt so với kế hoạch đề ra nhưng đặt trong bối cảnh tình hình khó khăn chung, kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực của TP trong chỉ đạo điều hành. Để tìm ra "chốt" của vấn đề vì sao 10/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đại biểu đề nghị cần có đánh giá kỹ và sâu hơn cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại biểu dẫn chứng, như chỉ tiêu về cấp "sổ đỏ", đây không phải là năm đầu tiên chúng ta không đạt chỉ tiêu nhưng việc thực hiện vẫn chưa tiến triển, lần nào đi tiếp xúc cử tri bà con cũng có ý kiến phàn nàn. Đại biểu đề nghị, thời gian tới TP cần chú trọng hơn tới các DN nhỏ và vừa, bởi đây là khu vực liên quan đến một bộ phận lớn người dân lao động; có hướng giải tỏa "cục máu đông" bất động sản, hàng tồn kho, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thanh Mai (tổ Hà Đông) bổ sung, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan trong khi nhiều chỉ tiêu "lỗi hẹn" có nguyên nhân từ yếu tố chủ quan. Chẳng hạn việc chi ngân sách, trên địa bàn TP đang tồn tại nghịch lý nguồn thu hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn nhưng việc giải ngân nguồn vốn rất chậm. Cụ thể, như một số chính sách xây dựng nông thôn mới, gói ứng vốn 500 tỷ đồng phục vụ dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, HĐND TP đã có nghị quyết ban hành từ những tháng đầu năm nhưng đến giữa tháng 11 mới giải ngân cho các địa phương, nên không thể thực hiện được. Đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, các nguyên nhân đưa ra không mới nhưng việc thực hiện cũng không khả quan hơn.
Cảnh báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế năm 2013 tiếp tục có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, các đại biểu đề nghị UBND TP cần phân tích cụ thể, sâu hơn, rõ địa chỉ và rõ trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém để có giải pháp sớm khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, TP cần "định lượng" 6 nhóm giải pháp lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2013, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống. Kiên quyết xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, quan tâm đến quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu...