Thực phẩm chống cảm lạnh

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:26, 04/12/2012

Khi nói đến hệ miễn dịch, chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của dinh dưỡng. Vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp cho cơ thể mạnh khỏe, tránh được sự xâm nhập của mầm bệnh.


Dưới đây là những loại rau quả và trái cây góp phần bảo vệ tốt nhất cơ thể chống lại cảm lạnh và cúm.

Cá: Dầu cá từ các loại cá hồi, cá ngừ, cá thu giàu axit béo omega-3 có chứa hợp chất giúp giảm viêm có hại trong cơ thể. Viêm mạn tính ngăn cản chức năng của hệ miễn dịch, đồng thời có thể góp phần làm cho cảm lạnh và cúm cũng như các bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Họ nhà hàu, trai: Kẽm, một khoáng chất cần thiết, được ghi nhận là “chiến binh” chống cảm lạnh. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Canada năm 2012 kết luận rằng dùng viên ngậm kẽm có thể rút ngắn thời gian xuất hiện triệu chứng cảm lạnh ở người lớn. Họ nhà hàu, trai có chứa nhiều chất kẽm hơn bất kỳ thực phẩm nào khác, nhưng tránh dùng đồ ăn chưa chín kẻo gặp rắc rối về tiêu hóa.

Tỏi: Không chỉ là loại gia vị giúp món ăn thơm ngon hơn, tỏi còn chứa allicin, một hợp chất sulfuric giúp giải phóng chất chống oxy hóa khi nó phân hủy. Qua thử nghiệm, những người bổ sung tỏi trong 12 tuần từ tháng 11 đến tháng 2 ít gặp cảm lạnh hơn và nếu bị bệnh thì sự phục hồi nhanh hơn.

Họ cam, quýt: Các nghiên cứu gần đây cho biết, bổ sung vitamin C ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh có thể giảm thời gian bị bệnh, trong khi cơ thể cảm thấy thoải mái ngay khi dứt được triệu chứng. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, chanh, bưởi và bạn không phải lo lắng vì dùng quá liều bởi chất này nếu thừa, cơ thể sẽ tự đào thải.

Sữa chua: Thực phẩm chứa probiotic, chẳng hạn như sữa chua là cách tốt để bổ sung các chủng vi khuẩn có lợi, tăng cường hệ tiêu hóa và giúp ngăn ngừa đau dạ dày. Hơn 10 nghìn tỷ vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của chúng ta, trong khi một đánh giá năm 2011 cho thấy các chế phẩm sinh học còn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Trà: Mọi người đều biết một tách trà nóng có thể giải tỏa cơn nghẽn vùng ngực và làm dịu cổ họng bị đau. Hơn thế, dù là trà đen, trà xanh hay trắng đều chứa một nhóm chất chống oxy hóa gọi là catechin, có đặc tính chống lại bệnh cúm. Nhiều nghiên cứu khẳng định catechin có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất và chống lại ung thư hay bệnh tim.

Sữa: Hầu hết vitamin D mà cơ thể chúng ta cần là để tạo cho xương chắc khoẻ, nó cũng thúc đẩy hệ miễn dịch khi các tia nắng mặt trời tương tác với tế bào da người. Vitamin quan trọng này được tìm thấy trong các thực phẩm như sữa, nước cam, ngũ cốc ăn sáng. Trong năm 2012, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy nếu bổ sung Vitamin D có thể giúp trẻ tránh khỏi cảm lạnh trong mùa đông.

Nấm: Trên thị trường có rất nhiều loại nấm, tuy vậy, chúng hầu hết có chứa một số yếu tố tăng cường hệ miễn dịch như chất chống oxy hóa, kali, vitamin B và chất xơ.

Cà rốt và khoai lang: Hoa quả màu cam, chẳng hạn như cà rốt và khoai lang, rất giàu beta-carotene. Khi ăn vào, cơ thể chúng ta chuyển đổi hợp chất hữu cơ này thành vitamin A, chất cần thiết cho việc duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vitamin A đặc biệt quan trọng khi bị cảm lạnh, nó giữ các màng nhầy ở mũi và cổ họng - phòng tuyến đầu tiên của cơ thể hoạt động hiệu quả.

Hạt hướng dương: Những đồ ăn nhẹ giòn là những nguồn chứa vitamin E tự nhiên tốt nhất. Vitamin E là chất chống oxy hóa, bảo vệ thành tế bào không bị tổn thương, nó đặc biệt quan trọng đối với phổi. Một nghiên cứu năm 2003 ở Scotland phát hiện ra rằng những người có chế độ ăn nhiều vitamin C và E có dung tích phổi lớn hơn và ít đờm hơn.

Theo SK&ĐS