Đọc thơ Mai Hồng Niên
Văn hóa - Ngày đăng : 14:02, 04/05/2004
Trong số những người làm thơ, Mai Hồng Niên vẫn được coi là người “sướng” nhất vì sự “lãng tử” với văn chương và cuộc đời. Anh ít bận tâm đến những bon chen của đời sống, phải chăng vì thế mà thơ anh luôn trẻ, luôn có hơi thở mới của thời cuộc. Có lẽ anh là người học được “thói ngang” của bậc tiền bối Nguyễn Công Trứ, người đồng hương, người “hàng xóm”, nên mọi việc đời qua con mắt Mai Hồng Niên đều lạc quan.
Một tập thơ của Mai Hồng Niên
Anh vẫn tự hào là người duy nhất “Tiễn vợ đi lấy chồng”, thì có sao đâu, khi tình nghĩa vợ chồng âu cùng là phận số “Em đi cho rộng đường yêu/ Anh trở về với mái lều ngày xưa/ Thả mình mặc gió mặc mưa/ Câu thơ gối nhịp đò đưa quê nhà/ Những gì qua/ Là sẽ qua/ Cầu cho em được mái nhà bình yên/ Em đi vá lại bến thuyền/ Mảnh trăng treo “Cánh buồm đêm” sang ngày”. Hay anh hóa thân vào tâm trạng của người bạn để kể về chuyện “Bố đi lấy vợ”: “Bố đi lấy vợ thật rồi/ Mẹ thành bóng lẻ lại ngồi đợi con/ Chiều mưa đếm những giọt buồn/ Bong bóng tan- bong bóng còn – cơn mưa? Lấy thêm gì để mộng mơ/ Con đường xưa bố bây giờ rẽ ngang”. Thơ Mai Hồng Niên thật thà đến tận gan ruột, nhưng không phải là người gặp đâu viết đấy, thơ anh có sự tích lũy của vốn sống và sự va đập của cuộc đời. Người đọc sẽ nhận ra đằng sau cách nói dửng dưng, đằng sau những tiến cười nhạo của một kẻ phớt đời lại là nỗi chất chứa của một tấm lòng trắc ẩn nhiều nghĩ suy nhân thế.
Nhà thơ Vương Trọng trong một bài viết đã nhận xét “Đọc xong thơ Mai Hồng Niên, người đọc không dễ dàng thoát ra khỏi những ám ảnh mà thơ anh đã mang lại. Cũng không phải là người tỉa tót từng câu chữ, mà câu chữ chẳng qua là công cụ liên kết nhau để chở ý của toàn bài”. Trong các tập thơ của mình Mai Hồng Niên thổ lộ nhiều nỗi niềm với quê hương, mảnh đất mưa cằn gió thốc, mảnh đất nhiều kham khổ mà con người vẫn mặn mòi, vẫn nặng nghĩa ân tình. Những câu thơ được viết bằng cả nỗi đau đáu một tình quê:
Một đời cuốc bẫm cày sâu
Hết rừng đến biển có giàu gì thêm
Ngày Ba, tháng Tám vốn quen
Bữa rau bữa cháo chẳng phiền chi ai
Nhà nghèo biết giữ giêng hai
Khoai lang xát mỏng phơi dài nắng trưa
Gập ghềnh câu ví đò đưa
Thấp cao bóng núi, củi khô chợ chiều
Mo cơm, cà mặn ngược đèo
Trần lưng quốc đất cha gieo vạt chè
(Con về)
Trong các tập thơ của mình Mai Hồng Niên viết nhiều về quê hương, không đơn giản chỉ là tả cảnh đẹp hay gợi một nỗi nhớ, ở đó anh thường ký thác nhiều tâm sự được đúc rút bằng sự trải nghiệm trên mỗi chặng đường của cuộc sống, những bại thành để khi quay trở về đất mẹ như một người con được sẻ chia, được an ủi và được nói.
Một thời – Em có nhớ không?
Cây lưa thưa lá cháy cong gió Lào
(Anh ở miền quê ấy)
Bên kia cầu là quê anh
Làn ví dặm tưởng mỏng manh, lại bền
Cũng từ sông núi đó em
Người tạo dựng, đất làm nền câu ca
Lũ dâng, cầu cắt sang phà
Con thuyền, tiếng máy gần xa với người
(Cầu phao Bến Thủy)
Có lẽ chính bởi con người thực và con người thơ Mai Hồng Niên thường gắn làm một nên đọc thơ anh ta thấy được cả chặng đường anh đã trải qua, những khó nhọc cũng như những vinh quang trong nghiệp cầm bút. Bởi thế nên có lần gặp anh em trong nhóm “Chiếu văn” Văn Cao xúc động nói: “…Mai Hồng Niên sống có tâm…sống, làm thơ bằng cái tâm của chính mình. Những câu thơ lục bát thân tình, một giọng thơ hồn hậu, thắm thiết tình thương với nỗi đau tê buốt của Mai Hồng Niên không hẳn là kỹ xảo mà từ bản tâm của anh”. Có lẽ tại anh sinh ra trên mảnh mảnh sông La, núi Hồng, lại thấm đẫm tình nghệ sỹ của chàng Tố Như , bậc tiền bối thơ mà anh vẫn gọi là “cụ Tổ” của thơ ca, đã bồi đắp cho tâm hồn người thi sỹ, nên thơ Mai Hồng Niên nồng nàn hơn khi “chạm” đến “cõi yêu”. Anh vẫn tự nhận mình là người đa tình, đa đoan, với những nỗi truân chuyên trên đường yêu:
Lang thang với biển suốt đời
Đi tìm em phía chân trời nào hay?
“Vỏ quýt mỏng – lá cam dày”
Bàn tay ngón sắc ngón tày – người ơi!
Nói gì với biển và tôi
Tháng năm chỉ có nụ cười tặng nhau
Nắng mưa không thể bạc màu
Niềm vui và những khổ đau tự tình.
…
Lang thang trả nợ phù sinh
Đong đưa sóng
Đong đưa tình
Lang thang…
(Lại về với biển)
Gặp Mai Hồng Niên người đọc khó nhận ra con người thơ anh, bởi con người anh hồn hậu và xởi lởi như thể chẳng khi nào anh biết đến nỗi buồn. Con người thi sỹ mới khó hiểu lắm thay! Nhưng đọc thơ Mai Hồng Niên, đau đáu trong từng câu chữ vẫn chan chứa một nỗi lòng sâu thẳm của một tâm hồn nhạy cảm trước niềm vui, nỗi buồn của chính mình và của mọi người cũng như lòng khát khao cuộc sống, mong cho cuộc sống bớt những nỗi khổ, bớt những long đong của thân phận con người. Anh nói hộ những cô gái thanh niên xung phong quá lứa, nhỡ thì như một sự sẻ chia :
Cái thời tuổi trẻ em qua
Mưa thâm mặt biển, nắng nhòa Trường Sơn
Tóc xanh da bạc lá non
Nhớ quê thèm tiếng ru con giữa rừng
Thời xa ấy nghĩ lạ lùng
Trẻ trung tưởng đến vô cùng – ngờ đâu…
(Ghi ở cung đường La Khê)
Anh “Nhận chị đồng hương” với một người tha phương đói khổ cùng đứa con nhỏ bơ vơ giữa chốn đất khách quê người “Trẻ trung dồn lại ngày già/ Thương con quên nghĩ đường xa gập ghềnh/ Tấm áo vá, vạt chiếu manh / Bỏ quê nhập cuộc lữ hành tứ phương/ Ai người chia bớt nỗi buồn/ Mẹ con gánh mãi hoàng hôn một mình”…
Ngòi bút thơ Mai Hồng Niên nhuần nhị hơn với thể thơ lục bát, có lẽ đó là tầng vỉa mà cốt cách phong tình của con người quê anh được thừa hưởng từ gia tài của cụ Nguyễn Du. Chúng ta tin rằng ở những tập thơ sau Mai Hồng Niên sẽ ra mắt người đọc những cảm nhận mới hơn và đằm thắm hơn về tình quê, cảnh quê.
T.H.T.K