Vòng xoáy bất ổn mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:09, 03/12/2012

(HNM) - Ai Cập chưa thoát khỏi cơn lốc bất ổn. Mặc dù, ngày 30-11, Hội đồng Lập hiến (CA) Ai Cập do phe Hồi giáo lãnh đạo đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp mới được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều ngày qua ở quốc gia này.


An ninh đã được tăng cường do căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, Hiến pháp dự thảo này dù có một số thay đổi như: Giới hạn thời gian cầm quyền của một tổng thống là 8 năm, vai trò của đạo Hồi trong lập pháp… nhưng xem ra vẫn chưa khiến phe đối lập hài lòng. Vì thế, chính trường Ai Cập vẫn đối mặt với vòng xoáy bất ổn mới.

Phe đối lập lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng nguyên nhân dẫn đến bất ổn là do tuyên bố về Hiến pháp mới của ông M.Morsi ngày 22-11 vừa qua. Theo đó sẽ khôi phục điều tra các vụ sát hại và âm mưu sát hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống H.Mubarak năm 2011; các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện); đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống M.Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức, ngày 30-6 vừa qua, cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra... Với quyền hạn theo tuyên bố, Tổng thống M.Morsi đã sa thải Tổng Công tố Abdel Meguid Mahmud và bổ nhiệm ông Talaat Ibrahim Abdallah thay thế.

Ngay lập tức, tuyên bố và vụ sa thải của Tổng thống M.Morsi đã gây phản ứng trái chiều cũng như các cuộc tranh luận về quyền hạn của Tổng thống và mối quan hệ giữa hành pháp và tư pháp. Phe đối lập chỉ trích Tổng thống M.Morsi và đồng minh đang thúc đẩy tiến trình thông qua Hiến pháp để thâu tóm quyền lực trong khi dự thảo Hiến pháp mới không nhận được sự nhất trí của phe đối lập về một số điều khoản liên quan đến các quyền con người và quyền tự do. Những người Cơ đốc giáo phản đối điều khoản liên quan đến vai trò của đạo Hồi trong lập pháp còn Hiệp hội các thẩm phán thì cho rằng Tổng thống M.Morsi đã vượt lên các tòa án, chống lại quy tắc pháp quyền và tính độc lập của tư pháp... Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei cũng cảnh báo việc Tổng thống thâu tóm quyền lực "có thể gây ra những hậu quả tàn khốc". Các cuộc biểu tình, đụng độ đẫm máu đã nổ ra sau lời kêu gọi của hơn 30 chính đảng đòi hủy bỏ Tuyên bố hiến pháp mới đã nổ ra suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua tại một số thành phố của Ai Cập.

Giới phân tích cho rằng, dự thảo Hiến pháp do Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) của Tổng thống M.Morsi, soạn thảo chủ trương đưa Ai Cập theo chính sách một nhà nước Hồi giáo, trong đó mang đậm các nguyên tắc Hồi giáo. Những người từng xuống đường lật đổ chế độ Tổng thống H.Mubarak còn cáo buộc Tổng thống M.Morsi từ bỏ dân chủ, đưa Ai Cập đến một giai đoạn chuyên quyền mới.

Những gì đang diễn ra trong mấy ngày qua cho thấy một Ai Cập chưa thể thoát khỏi rối ren ngay cả khi Tổng thống M.Morsi tuyên bố khủng hoảng sẽ kết thúc ngay khi người dân bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tuần tới. Giáo sư chính trị của Trường Đại học Cairo, Mustapha Kamal Al-Sayyid nhận định, các lực lượng thế tục, nhà thờ Cơ đốc giáo và các thẩm phán… không thỏa mãn với dự thảo Hiến pháp mới vì vậy căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang. Trong một diễn biến mới, dự kiến, 24 giờ tới, 11 tờ báo Ai Cập sẽ ngừng phát hành; sau đó (ngày 5-12), ba kênh truyền hình vệ tinh tư nhân cũng sẽ không phát sóng để phản đối Tổng thống M.Morsi. Chính trường Ai Cập đang vào một khúc quanh mới với những diễn biến khôn lường từ một bản văn Hiến pháp mới.

Trung Hiếu