Những vần thơ tháng Chạp
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:04, 03/12/2012
Tự vệ Hà Nội kiên cường bảo vệ Thủ đô năm 1972. Ảnh tư liệu
Ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở chiến dịch Linebacker I, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ném bom miền Bắc hòng giành ưu thế trên bàn Hội nghị Paris, chấm dứt cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Ngày 10-4-1972, B52 Mỹ đánh Hải Phòng.
Ngày 26-4, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Sáng hôm sau, lớp Văn 3H chúng tôi đứng ở cổng trường, lặng nhìn đoàn người bất tận từ nội thành đi sơ tán qua. Những ông già đầu bạc còng lưng kéo chiếc xe ba gác chở nồi niêu, củi bếp, chăn màn, quần áo, bên trên ngất ngưởng một đứa trẻ cười vô tư. Những người mẹ đẩy xe đạp chở nặng đồ dùng sinh hoạt tối thiểu, đằng sau là đứa trẻ ngồi giữa đống quần áo chăn màn. Bất giác tôi nhớ đến hình ảnh người dân Mátxcơva rời bỏ kinh thành năm 1812 khi quân đội Napoleon đến gần. Bất giác tôi nhớ đến câu thơ: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Tiếng gọi chiến trường lại vang trong tim.
Ngày 26-5-1972, chúng tôi được lệnh nhập ngũ. Những đêm cuối tháng 5 ấy trời trong veo, trăng sao sáng lắm và người bạn gái như dịu dàng, xinh đẹp hơn.
Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon thông qua kế hoạch Chiến dịch Linebacker II, mở cuộc không kích “khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại”, sử dụng sức mạnh của “pháo đài bay” chiến lược B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số trọng điểm chiến lược, hòng đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.
Tiểu đoàn 127, Trung đoàn 282 pháo cao xạ của chúng tôi đóng quân trên đồi cao thuộc làng Đăng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, bảo vệ trọng điểm Đồng Mỏ, “cảng nổi” của miền Bắc sau khi cảng biển Hải Phòng đã bị thủy lôi Mỹ phong tỏa. Ga Đồng Mỏ là nơi tập kết hàng viện trợ với hàng chục kho hàng lớn, hàng nghìn công nhân, thanh niên xung phong làm việc ngày đêm. Đánh trúng kho hàng, đánh sập cầu Đồng Mỏ, Mỹ sẽ gây khó khăn, tổn thất không nhỏ cho cuộc chiến đấu của quân dân ta.
Lính Tiểu đoàn 127 phần lớn là sinh viên các Trường Đại học Sư phạm, Thương mại, Bách khoa. Lính sinh viên tuổi hai mươi luôn mộng mơ, ôm chí trai ra trận với cái nhìn trong trẻo đầy tính lý tưởng về cuộc đời, tình bạn, tình yêu. Đây là cảm xúc tôi ghi lại trong một phiên gác: “Đêm gác trận địa/Ngẩng đầu ngắm sao/Lòng như ngây ngất/Nhớ những đêm nào/Cùng em sánh bước/Dưới trời đầy sao/Đêm hè mát rượi /Ngọn gió nồm nam/Vi vu nhẹ thổi/Chiếc hôn trao vội/Mai xa nhau rồi/Em sơ tán xa/Anh ra mặt trận/Con đường chúng ta/Đi lên vô tận (11-1972)”.
Ngày nhận quân trang mùa đông, được lĩnh áo trấn thủ, người lính trẻ xúc động: “… Tấm áo đơn sơ thắm đượm tình thương/Nhẫn nại ra đi suốt chín năm trường/Bền bỉ làm nên lẫy lừng sự nghiệp/Chặng đường dài/Đất nước ơi/Hôm nay tôi đi tiếp/Vẫn tấm áo trên vai, miệt mài đánh Mỹ/Cho mai đây trong vạn điều kì vĩ/Muôn đời sau truyền tụng ngợi ca…” (kỷ niệm đời sau, 12-1972).
Ngày 18-12-1972, B-52 Mỹ được sự yểm trợ của các loại máy bay chiến thuật bắt đầu ném bom hủy diệt Hà Nội. Đứng trên đồi cao Đồng Mỏ nhìn về quầng sáng phương Nam, nơi Thủ đô yêu dấu đang chìm trong khói lửa, lòng những người lính trẻ Tiểu đoàn 127 sục sôi, xót xa, uất hận.
Sau 5 ngày ném bom hủy diệt Thủ đô, mất hàng chục “siêu pháo đài bay”, Mỹ quay ra đánh phá các vùng lân cận hòng kéo lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ra xa. Đêm 23-12, Mỹ huy động 21 lượt máy bay B-52 ném bom hủy diệt Đồng Mỏ. Bom Mỹ rơi trúng đội hình Tiểu đoàn 127, chín người lính trẻ hy sinh, trong đó có hai người bạn cùng lớp Văn 3H Sư phạm là Nguyễn Ngọc Ưng, quê Vũ Hòa, Kiến Xương, Thái Bình và Trương Dương Thiện, quê Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội. Đêm 24-12, Mỹ tạm ngừng đánh phá để những bàn tay ấn nút trút bom đến nhà thờ hôn thánh giá trong lễ Noel. Liên tiếp trong ba đêm 27, 28, 29-12, mỗi đêm hàng chục lượt B-52 dội hàng nghìn tấn bom xuống Đồng Mỏ. Từ trong công sự nhìn ra, lửa bom B-52 kéo dài loằng nhoằng trên đỉnh đồi, trông như dãy vây lưng dựng ngược của con khủng long khổng lồ. Mảnh bom, đất đá bay rào rào, rơi trên mâm pháo thành những âm thanh ghê rợn. Những chiếc lều bạt dã chiến của bộ đội bị đánh sập, mảnh bom, đất đá xé rách. Thế nhưng những người lính sinh viên vẫn “trông chết cười ngạo nghễ”. Sau trận bom, trắc thủ số 4 máy chỉ huy Nguyễn Đăng Thành, quê Bắc Giang cho tôi xem bài thơ vừa làm: “Nhà bạt bị bom thủng rồi/Bâng khuâng một giọt sao trời long lanh/Ngỡ là ánh mắt trong lành/Của người thương dõi bước hành quân xa”.
Dứt tiếng bom, chúng tôi lại nhảy lên mâm pháo, nổ súng đánh máy bay cường kích. Sau này, nhiều người dân làng Đăng và công nhân ga Đồng Mỏ cho biết: Bom ác liệt quá, tưởng các anh trên đồi hy sinh cả, nhưng nghe tiếng pháo bắn lên, biết các anh còn sống, còn chiến đấu, chúng tôi thấy vững tâm hơn.
Những ngày tháng Chạp đánh B-52 cũng là mùa trăng nhưng sáng trăng suông. Trời đầy mây vần vũ. Nghe kỹ có tiếng bom rơi vi vút lẫn trong tiếng gió. Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, căm thù quân xâm lược tột độ, tôi viết bài thơ lấy tựa đề “Những đêm trăng”:“Đêm nay trăng tròn/Nhưng không sáng tỏ/Mây đen mờ che phủ cả trời cao/Không chỉ còn làm chứng để duyên trao. Trăng còn làm chứng cho cả niềm uất hận/Anh mãi nuôi trong tim anh vô tận/Tình yêu em vĩnh viễn trên đời/Và cả niềm căm giận chẳng thể nguôi/Lũ quỷ chiến tranh giết người/Mờ tối đêm trăng nay/Những “pháo đài bay” B-52 hắc ám/Lặc lè bom bay vào trời Hà Nội/Phá tan tành giấc ngủ của em tôi/Thiêu thành tro bao bé nhỏ trong nôi/Đày đọa mẹ ta trong vòng chết chóc/Lửa hờn căm này/Em ơi/Có thể nào nguôi?” (27-12-1972).
Một tuần sau những trận đánh, tôi đến viếng hai người bạn học nằm trên sườn đồi Mai Sao cùng những người bạn hy sinh đêm 23-12. Bài thơ chưa đặt tên:“... Em gái ơi lá thư quê nhà lặn lội/Đến hôm nay bỗng ngơ ngác mồ côi/Anh của em chúng nó giết rồi/Nín đi em, đừng khóc/Nín đi em và mở to đôi mắt/Thu tận đáy mắt em, đôi mắt trong xanh/Sắc hình gai góc của lũ quỷ chiến tranh/Nín đi em và khắc hằn trong óc/Tội ác nay cùng muôn vạn đau thương/Anh của em ngã xuống chiến trường/Chết cho thế giới/Thiện ơi, Ưng ơi/Tuổi hai mươi mới hé mở trang đời/Anh ngã xuống cho cuộc đời xanh mãi” (1-1-1973).
Trong 12 ngày đêm chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã huy động 740 lần chiếc B-52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 20.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang... Quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trong chiến công chung ấy có phần đóng góp của những người lính trẻ mang tâm hồn thời đại và khát vọng sống, khát vọng yêu, say lý tưởng chiến đấu vì độc lập - tự do của đất nước, vì hạnh phúc, tình yêu.
Cuốn sổ bìa xanh cũ đã trở thành của gia bảo. Các con tôi, và sau này lớn lên, các cháu tôi vẫn sẽ trân trọng như trân trọng một phần lịch sử đất nước mà thế hệ cha ông chúng đã góp phần làm nên.