Khống chế dịch HIV/AIDS: Đã khó, càng thêm khó
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:46, 03/12/2012
Mặc dù kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% dân số như mục tiêu đề ra, nhưng theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2008-2012, mặc dù năm 2011 là năm thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới HIV giảm so với năm trước đó, nhưng mỗi tháng vẫn có trên 1.000 ca được phát hiện. Xu hướng đáng lo ngại là dịch đang lan rộng cả về mặt địa dư lẫn đối tượng, đặc biệt là nhóm được coi là có hành vi nguy cơ thấp.
Bệnh viện 09 Hà Nội, nơi Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Ảnh: Lê Tuấn
Trước kia, HIV thường lây lan mạnh trong nhóm nghiện chích ma túy, nhưng 6 tháng đầu 2012, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã cao hơn đường máu. Ở một số khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long có tới 76% người nhiễm HIV là lây qua đường tình dục, tỷ lệ này ở khu vực duyên hải miền Trung cũng lên đến 60%. Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cảnh báo, việc thay đổi đường lây truyền cho thấy dịch HIV ngày càng lan rộng trong cộng đồng dân cư bình thường và việc khống chế dịch sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới chống AIDS do Bộ Y tế và UBND thành phố Cần Thơ mới tổ chức tại tỉnh Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang tiến đến mục tiêu 3 không: Không còn người nhiễm HIV mới, không còn tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tuy nhiên, các rào cản trong sử dụng những dịch vụ phòng chống HIV bao gồm cả việc chưa có gói dịch vụ chuẩn, tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử ở nhiều vùng đã tạo điều kiện cho HIV lặng lẽ lây lan và cản trở việc đạt được các tiến bộ trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.
Khống chế từ "gốc"
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nước ta có khoảng 204 ngàn người nhiễm HIV được xác định. Tuy nhiên, đây mới là phần nổi của tảng băng chìm, do nhiều người thuộc cả 2 nhóm có hành vi nguy cơ cao và hành vi nguy cơ thấp nhưng có yếu tố liên quan đến dịch chưa được xét nghiệm còn rất lớn. Theo bà Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống AIDS thành phố Cần Thơ, có một tỷ lệ khá lớn các chị em hành nghề mại dâm vừa nghiện chích ma túy, vừa bán dâm và vừa nhiễm HIV. Đây là nguồn lây ra cộng đồng rất khó kiểm soát.
Trước tình hình kể trên, kiểm soát HIV như thế nào cho hiệu quả đang là vấn đề được quan tâm. Theo ông Tony E.Lisle, Giám đốc quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam, mục tiêu sắp tới là mở rộng diện điều trị methadone, lên tới 80 ngàn người nghiện chích ma túy vào 2015, nhằm giảm lây nhiễm HIV và giảm ma túy trái phép. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm, cơ sở điều trị methadone đầu tiên ở Hà Nội, tỷ lệ người nghiện ngừng sử dụng ma túy sau điều trị tại đây lên tới 94%; còn tại cơ sở điều trị methadone Ninh Kiều, Cần Thơ, tỷ lệ này là 89%. Đáng lưu ý có tới 76% số người sau cai nghiện có việc làm, trong khi trước điều trị, tỷ lệ có việc làm chỉ là 30%. Đây là những con số rất đáng mơ ước trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù ngày 15-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị định hướng dẫn thành lập các cơ sở điều trị các chất thay thế như methadone, theo đó, huyện có từ 250 người nghiện ma túy trở lên phải thành lập một cơ sở điều trị methadone, nhưng thực tế vẫn còn những rào cản để số người nghiện và nguy cơ lây nhiễm HIV cao tiếp cận với biện pháp điều trị này. Mặc dù người nghiện được điều trị hoàn toàn miễn phí và hiệu quả điều trị cao nhưng trong số 6 cơ sở điều trị methadone ở Hà Nội vẫn có nơi không đạt chỉ tiêu về số bệnh nhân điều trị. Lý do là vì y tế muốn tiếp nhận bệnh nhân thì phải có xác nhận của bên công an, còn bên công an khi phát hiện đối tượng nghiện thường đưa đi trại để cai chứ không đưa đến cơ sở y tế để chữa.
Để khống chế dịch HIV/AIDS, việc kiểm soát lây nhiễm HIV qua đường tình dục cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Hiện tại, một số tỉnh, thành phố đã phát bao cao su tới 80% cơ sở nhà hàng, khách sạn và có điểm bán ở các kênh phi truyền thống như quán nước, quầy thuốc lá ven đường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ này cần được cải thiện, bởi dịch HIV đã thay đổi đường lây truyền chủ yếu, từ đường máu sang đường quan hệ tình dục không an toàn.