Tìm lời giải cho bài toán giá bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 09:21, 02/12/2012
Thời gian qua, ngoài việc đưa ra nhiều giải pháp, Bộ Xây dựng đã kêu gọi các doanh nghiệp phải tiếp tục hạ giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp nêu ra nhiều lý do không thể giảm giá.
Doanh nghiệp không muốn lỗ
Theo ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội số 5 (Handico 5), việc tiếp tục giảm giá đối với doanh nghiệp BĐS hiện nay là rất khó, bởi chi phí cấu thành đầu vào của sản phẩm quá cao. Điều mà doanh nghiệp cần nhất hiện nay là được khoanh nợ, giãn nợ, được bơm thêm tiền để hoàn thiện dự án thì chưa được Bộ Xây dựng ưu tiên cân nhắc.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dầu khí toàn cầu (GP Invest), cho rằng để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã chủ động cắt giảm các chi phí có thể để giảm giá thành, song việc bán hàng vẫn rất khó do tỷ lệ giảm giá không nhiều. Nếu tiếp tục giảm giá theo kêu gọi của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp phải chấp nhận bán hàng lỗ vốn.
Tại hội thảo tập trung các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn phía Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cách đây vài ngày, ông Trần Lê Khánh, chuyên gia đầu tư BĐS kiến nghị giai đoạn này doanh nghiệp nên tập trung vào người tiêu dùng cuối cùng và đảm bảo chất lượng với cam kết.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi khoảng 8%/năm trong thời hạn từ 5-10 năm cho người mua căn hộ đầu tiên, người đang ở chật hẹp (dưới 5m 2 /người) để mua căn hộ.
Đáng lưu lý, Hiệp hội đề nghị ngân hàng liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp để cấp tín dụng cho người mua nhà.
Ngoài ra, Hiệp hội còn đề nghị Nhà nước có kế hoạch mua lại các dự án căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư và làm quỹ nhà ở xã hội như Tp.Hồ Chí Minh đã thực hiện.
Mặt khác, theo kiến nghị Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thì việc chia tách căn hộ nên được thực hiện.
Nếu nhìn vào bản kiến nghị này thì thấy việc trì hoãn giảm giá hoặc không tính chuyện giảm giá nằm trong dự tính của các doanh nghiệp khi các chủ đầu tư đưa ra lý do đã giảm hết mức, thậm chí đã phải lỗ để giảm giá.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn thị trường bất động sản của người có nhu cầu thực về nhà ở, thì nhiều người dân cho rằng trong 10 năm trở lại đây thị trường trải qua hai đợt sốt đất lớn và kéo dài tình trạng sốt giá nhà, giá đất ở mức quá cao trong nhiều năm.
Xác định giá thực trên cơ sở khoa học
TP Hồ Chí Minh là địa phương có lượng tồn bất động sản lớn nhất nhì cả nước đã quyết định về việc xây dựng và công bố một số chỉ số đánh giá thị trường BĐS, thực hiện từ ngày 29/11.
Theo đó, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cung cấp thông tin, số liệu giao dịch BĐS thông qua các hợp đồng công chứng giao dịch BĐS của các tổ chức công chứng.
Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường của các quận, huyện.
Cục Thuế cung cấp số liệu liên quan đến giao dịch BĐSthông qua việc tổng hợp các thông tin kinh tế, dự báo thị trường, các dự án đầu tư phát triển BĐS.
Còn Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh và các sàn giao dịch BĐS cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến giao dịch, dự báo thị trường và các dự án đầu tư phát triển BĐS.
Các dữ liệu trên sẽ được gửi về cho Sở Xây dựng vào ngày 25 của tháng thứ 3 hàng quý.
Sau đó, Sở Xây dựng sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thực tế các giao dịch thành công trên thị trường để xác định chỉ số giá chung của bất động sản của TP Hồ Chí Minh và giá từng loại BĐS ở từng khu vực.
Ngoài ra, từ các dữ liệu trên, Sở Xây dựng cũng sẽ công bố chỉ số lượng giao dịch thành công của BĐS trên toàn thị trường TP Hồ Chí Minh và lượng giao dịch từng loại BĐS ở từng khu vực.