Công nghệ có phải là tất cả?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 02/12/2012

(HNM) - Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề chuyển đổi từ công nghệ làm phim 35mm sang kỹ thuật số của điện ảnh Việt Nam được đặt ra.

Tuy nhiên, cuộc hội thảo "Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời kỳ công nghệ số" vừa diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai đã một lần nữa xáo xới sâu hơn về vấn đề này. Nhiều nhà làm phim quốc tế đã chia sẻ ý kiến từ chính thực tế hoạt động sản xuất và phát hành phim của mình.

1. Xu thế mang tính quốc tế

Trước hết đây là câu chuyện mà mỗi nghệ sĩ cũng như ngành điện ảnh Việt Nam đều nhận thấy. Đại diện lãnh đạo Cục Điện ảnh cho hay nếu như ba năm trước chúng ta chỉ có hai máy chiếu kỹ thuật số thì nay ở Việt Nam đã có 65 phòng chiếu sử dụng công nghệ này. Còn trên thế giới số lượng màn hình chiếu kỹ thuật số chiếm tỷ lệ 60-80%. Với nhiều nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc thì 100% phòng chiếu là kỹ thuật số. Một số nước và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Đài Loan tỷ lệ này cũng lên tới 80-90%...

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người từng thực hiện hai bộ phim bằng công nghệ số đã chia sẻ, từ năm 2003, khi anh đi thăm trụ sở Kodak ở Paris, đại diện Kodak lúc đó đã tuyên bố: Tương lai sẽ là công nghệ số!

Bà Claire, nhà sản xuất phim hãng Acrobates Films của Pháp đã phối hợp làm phim "Chơi vơi" bày tỏ, trước đây bà cũng từng làm phim 35mm. Nhưng nay thì công nghệ kỹ thuật số đã phát triển quá mạnh mẽ và có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Ngay cả các hãng sản xuất phim 35mm cũng đã chuyển dần sang kỹ thuật số để bảo quản tốt hơn. Bà cũng nêu rõ công nghệ số thay đổi cách làm phim ở các khâu sản xuất, làm hậu kỳ, bảo quản… Nói một cách dễ hiểu như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì, điều sung sướng nhất khi làm phim kỹ thuật số là được quay rất thoải mái, vì thế dễ chọn được "đúp" ưng ý nhất, có thể thu thanh đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng âm thanh và chất lượng tổng thể của cả tác phẩm điện ảnh. Với phim 35mm, số mét phim được quay có giới hạn, phải tính toán, cân nhắc dẫn đến việc phải làm vụn kịch bản, quay từng cảnh nhỏ một để tranh thủ phim, thời gian.

Thêm một ý kiến về câu chuyện này, một chuyên gia điện ảnh nguyên là Phó Tổng Giám đốc MegaStar khẳng định: Đây là một xu thế mang tính quốc tế, không thể đi ngược được. Nhu cầu về phim 35mm đã giảm khoảng 70% từ năm 2007 đến năm 2011. Nhiều hãng lớn trên thế giới cũng đã có kế hoạch dừng sản xuất các phim 35mm từ nay đến giữa năm 2013. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, những rạp nào chưa chuyển đổi sang công nghệ số thì doanh thu rất hạn chế.

2. Kỹ thuật số có phải là tất cả?

Nhà quay phim Lý Thái Dũng, một trong những tay máy hàng đầu của điện ảnh Việt Nam hiện nay đã đặt ra một câu hỏi thiết thực rằng: Trước xu thế này, theo kinh nghiệm của các nhà sản xuất, phát hành phim quốc tế thì Việt Nam có nên chuyển đổi hoàn toàn việc làm phim từ công nghệ 35mm sang kỹ thuật số?

Theo bà Trần Bích Quân, công ty phát hành Dissidenz của Pháp thì xu hướng kỹ thuật số đang chiếm lĩnh ở hầu khắp các nền điện ảnh trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những nhà làm phim lựa chọn phim 35mm để sáng tạo mà lý do chính là ý đồ nghệ thuật của đạo diễn. Một số bộ phim dự LHP Cannes vừa rồi cũng được sản xuất ở định dạng phim 35mm, song việc trình chiếu lại dưới định dạng kỹ thuật số. Do đó, việc sản xuất, phát hành phim dưới dạng nào cũng rất linh hoạt, phụ thuộc vào đạo diễn, điều kiện kinh tế, kỹ thuật.

Bà Quân nhấn mạnh, yếu tố nghệ thuật rất cần cân nhắc, trước khi tính đến định dạng. Vì nếu chất lượng phim tốt thì vẫn có thể chuyển đổi định dạng. Và khi chuyển sang kỹ thuật số phải chú ý đến các điều kiện xử lý phim cũng như hậu kỳ. Hiện nay có nhiều máy quay tốt, nhưng nếu không biết sử dụng thì cũng không thể có những phim chất lượng.

Bà Claire cũng cho hay, Châu Âu có nhiều hội thảo cho nhà sản xuất học về xử lý hậu kỳ, một khâu phức tạp của điện ảnh công nghệ số. Bà thẳng thắn: Sử dụng công nghệ số phức tạp hơn 35mm rất nhiều nên phải chuẩn bị kỹ càng. Chưa kể muốn sản xuất những phim trình chiếu trên thế giới, bán vé được thì cũng phải rất tốn, kém, không khác gì phim 35mm.

Như vậy, đúng như băn khoăn của nghệ sĩ Việt Nam và như chia sẻ của các nhà sản xuất, phát hành phim quốc tế thì không nên quá chú trọng đến yếu tố kỹ thuật. Điều đầu tiên và cần thiết là ý đồ đạo diễn, thông điệp mà bộ phim chuyển tới khán giả. Việc chuyển đổi có lẽ cũng nên tiến hành theo hướng kế thừa, tranh thủ các điều kiện hiện có để điện ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng.

Thi Thi