“Ẩn số” nhiều tranh cãi

Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 02/12/2012

(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại nóng lên sau khi nhiều nguồn tin nghi ngờ Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho một vụ phóng thử tên lửa thứ hai kể từ đầu năm đến nay.

Dựa trên phân tích những không ảnh từ vệ tinh mới nhất do Công ty DigitalGlobe của Mỹ cung cấp, Viện Mỹ - Triều Tiên (thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đưa ra nhận định rằng, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị một vụ thử tên lửa trong khoảng thời gian từ ngày 6-12 tới nếu điều kiện thời tiết cho phép.

Tháng 4 vừa qua Triều Tiên đã phóng vệ tinh thất bại tại địa điểm này.


Các bức ảnh của DigitalGlobe cho thấy, các hoạt động tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae của Bình Nhưỡng đã gia tăng với những chiếc xe moóc được sử dụng để vận chuyển hai tầng đầu tiên của tên lửa đẩy Unha-3 đỗ gần tòa nhà lắp ráp tên lửa. Hàn Quốc cho rằng, thiết bị tên lửa đã được vận chuyển từ nhà máy sản xuất vũ khí tại phường Saneum, thành phố Bình Nhưỡng tới căn cứ tên lửa ở xã Dongchang, tỉnh Bắc Pyeongan của Triều Tiên từ đầu tháng 11 vừa qua. Đây là những khẳng định ban đầu cho thấy các tầng tên lửa của Triều Tiên đang được kiểm tra trước khi rời bệ phóng.

Ngày 1-12, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời phát ngôn viên của Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho biết, vệ tinh Kwangmyongsong-3 sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy Unha-3 tại Trung tâm vũ trụ Sohae trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22-12 tới. Theo phát ngôn viên, các nhà khoa học Triều Tiên đã phân tích kỹ nguyên nhân thất bại trong vụ phóng vệ tinh hồi tháng 4 vừa qua để nâng cao độ tin cậy của tên lửa đẩy trong vụ phóng vệ tinh lần này.

Tin về khả năng một vụ phóng thử tên lửa trong tương lai gần của Triều Tiên lan nhanh và ngay lập tức trở thành chủ đề gây chú ý trong khu vực và quốc tế mấy ngày qua. Với Mỹ và Hàn Quốc, vụ phóng thử sắp tới của Triều Tiên có thể là bước chuẩn bị quan trọng cho một vụ thử hạt nhân mới và phóng thử các tên lửa tầm xa trong tương lai. Trước những thông tin này, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc vừa tiến hành cuộc họp tham vấn về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên; đồng thời đưa ra cảnh báo Bình Nhưỡng không được tiến hành điều cộng đồng quốc tế tin rằng có thể là một vụ thử tên lửa tầm xa trong thời gian sắp tới. Một số đại diện quốc gia trong cuộc họp đã hối thúc HĐBA hành động ngay lập tức nếu Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng, bởi điều này vi phạm nghị quyết của HĐBA cấm Bình Nhưỡng tham gia các hoạt động phát triển hạt nhân cũng như tiến hành những vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Giữa lúc quan hệ liên Triều đang trước nguy cơ rơi vào căng thẳng mới, sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quyết định thay thế Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng Kim Jong-Gak - bằng một viên tướng có khuynh hướng cứng rắn - trong một nỗ lực được cho là tăng cường sự kiểm soát của ông với quân đội khiến dư luận quan tâm. Dù chưa rõ sự kiện này có liên quan gì đến vụ phóng thử sắp tới hay không, nhưng cuộc thay đổi nhân sự được đánh giá là một trong những xáo trộn mới nhất trong lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong-Un thay cha Kim Jong-Il nắm quyền lãnh đạo đất nước năm ngoái.

Đến nay dù thời gian chính xác của vụ phóng thử tên lửa sắp tới của Bình Nhưỡng vẫn trong vòng bí mật, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên có nhiều lý do để tiến hành vụ thử, đặc biệt sau thất bại trong lần phóng tên lửa mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 hồi tháng tư vừa qua. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, Triều Tiên có thể chỉ đơn giản muốn đáp lại thỏa thuận Mỹ - Hàn mới đây về mở rộng tầm bắn các hệ thống tên lửa của Hàn Quốc lên gần gấp ba lần - từ 300 lên 800km - nhằm ứng phó tốt hơn với những mối đe dọa tên lửa từ bên ngoài. Cũng có nhận định rằng, trong bối cảnh Hàn Quốc sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống (ngày 19-12), việc Triều Tiên "để lộ" sự chuẩn bị cho một vụ phóng thử cũng là điều dễ hiểu.

Với Bình Nhưỡng, việc một số quốc gia trong đó có Hàn Quốc được phép theo đuổi phát triển tên lửa trong khi Triều Tiên lại bị cấm - theo nghị quyết của HĐBA - là không công bằng, một phân biệt đối xử trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Đây có thể là lý do khiến Bình Nhưỡng chưa từ bỏ theo đuổi phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình khiến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc.

Đình Hiệp