Xây dựng thị trường tài chính lành mạnh, bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 08:32, 01/12/2012

(HNM) - Hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự đổ vỡ của nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới những năm gần đây đã cho thấy việc xây dựng một hệ thống giám sát tài chính là rất cần thiết đối với mọi quốc gia. Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên định con đường cải cách tài chính, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những biện pháp nhằm xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh cho Việt Nam. Ảnh: Đàm Duy

- Những nỗ lực cải cách tài chính của nước ta thời gian qua khá mạnh, song dường như vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển “nóng” của nền kinh tế. Ông có nhận xét gì về vấn đề cải cách tài chính ở Việt Nam?

- Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới trong việc tiếp cận với các thông lệ quốc tế, nhưng phải đánh giá một cách nghiêm túc rằng chúng ta vẫn còn khoảng cách rất xa so với chuẩn mực của thế giới. Đặc biệt, từ năm 2008 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ và gây ra những hệ lụy khôn lường, thế giới lại tiếp tục khởi động một cuộc cải cách tài chính nữa và có thể nói đó là một cuộc cách mạng nhằm tăng cường tính an toàn cho các hệ thống tài chính của mỗi quốc gia. Sự thay đổi nhanh chóng trên thế giới đã đặt ra cho Việt Nam yêu cầu phải đẩy nhanh công cuộc cải cách nền tài chính của chúng ta hơn nữa. Điều này không những khắc phục những điểm yếu nội tại đã tích tụ từ trước đến nay mà còn đòi hỏi Việt Nam phải đi nhanh hơn nữa để tiếp cận dần với những chuẩn mực quốc tế.

- Việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước và khu vực đang gặp không ít thách thức?

- Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam và được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam. Hội nghị này có thể coi là bức thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam gửi tới cộng đồng tài chính khu vực và quốc tế, khẳng định Việt Nam kiên định con đường cải cách tài chính và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh. Qua hội nghị này, Việt Nam đã đề cập tới chủ đề tái cơ cấu hệ thống tài chính, một chủ đề “nóng” được cả khu vực và thế giới quan tâm. Điều này thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với những vấn đề quốc tế và khu vực. Với hội nghị này, các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam sẽ phần nào đánh giá được Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình cải cách tài chính của thế giới, từ đó chúng ta sẽ đặt ra nhiệm vụ phải làm gì, làm như thế nào trong thời gian tới đây.

- Ông có thể chia sẻ những định hướng cải cách mà Việt Nam và các nước Đông Á sẽ hợp tác trong thời gian tới để cùng xây dựng một hệ thống tài chính bền vững?

- Vào năm 2015, cộng đồng ASEAN sẽ được xây dựng với một trong những trụ cột là cộng đồng kinh tế. Khi Việt Nam đã hội nhập sâu thì vấn đề phối hợp chính sách với các quốc gia trong khu vực là hết sức quan trọng. Nếu không có sự phối hợp chính sách một cách tích cực, có hiệu quả, thì rủi ro rất dễ phát sinh, lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác và gây ra những hệ lụy khôn lường. Khoảng cách, chênh lệch giữa các quốc gia cũng sẽ là lỗ hổng, tác động tiêu cực đến thành công của việc xây dựng cộng đồng kinh tế. Qua hội nghị này, chúng tôi muốn nêu lên một vấn đề, một yêu cầu là các nền kinh tế trong khu vực cần tăng cường phối hợp chính sách và cùng giám sát thị trường một cách hiệu quả để xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, qua đó giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.

- Xin cảm ơn ông.

Trong khuôn khổ hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có bài tham luận về "Cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước". Sau 20 năm đổi mới, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam đã được thực hiện nhất quán, sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Khu vực DNNN đã có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Số lượng DNNN đã giảm từ hơn 12.000 DN (cuối những năm 1980) xuống hơn 1.300 DN (hiện nay). Tuy nhiên, việc sắp xếp và cổ phần hóa DNNN còn chậm, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu còn nhiều tồn tại. Cơ cấu ngành, lĩnh vực của DNNN còn dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả và một số DN gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính đang rà soát phân loại DN để quyết định tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước tại DN nhằm sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo các phương án đã phê duyệt.

Hương Ly