Khát vọng về một nền hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 07:30, 01/12/2012

(HNM) - Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vừa hoàn tất một quyết định quan trọng vào rạng sáng 30-11 (giờ Việt Nam) là bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ Thực thể quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên. Tổng số có 139 quốc gia bỏ phiếu thuận, 41 quốc gia bỏ phiếu trắng. Trong số 9 nước bỏ phiếu chống có Mỹ, Israel và Canada.

Trẻ em Palestine ở Bờ Tây vui mừng trước thắng lợi vừa đạt được của dân tộc.

Trước đó, ngày 26-11, Palestine đã công bố một dự thảo nghị quyết đề nghị ĐHĐ LHQ chấp thuận Palestine là một Nhà nước quan sát viên tại Liên hợp quốc (LHQ), thành lập một Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện nhiều nước tại ĐHĐ LHQ đã tới bắt tay chúc mừng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trước cuộc bỏ phiếu, ông M.Abbas đã kêu gọi ĐHĐ LHQ "cấp một giấy khai sinh thực sự cho Nhà nước Palestine". Tại Palestine, ở cả Bờ Tây, Dải Gaza và thành phố Bethlehem… người dân đã đổ ra đường ăn mừng sự kiện lịch sử này. Nhiều quốc gia đã đồng loạt lên tiếng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu.

Với thành công này, vai trò của Palestine trong cộng đồng quốc tế được nâng cao, tăng thêm sức mạnh cho ban lãnh đạo Palestine trong tiến trình tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho việc thành lập một nhà nước của riêng mình. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Trước cuộc bỏ phiếu, nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ chính quyền Palestine. Ngày 27-11, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tiết lộ thông tin rằng, Paris sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận Nhà nước Palestine. Phát biểu trước Quốc hội, ông L.Fabius khẳng định, từ lâu Pháp đã ủng hộ hoài bão của người Palestine với quy chế Nhà nước và sẽ "nhất trí" khi vấn đề này được đưa ra bỏ phiếu. Cú "nổ súng" đầu tiên của Pháp, Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, ủng hộ Palestine được xem là "liệu pháp" mạnh với nhiều quốc gia trước một quyết định quan trọng. Cùng thời gian này, Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp và Thụy Sĩ… đã lên tiếng sẽ bỏ phiếu thuận. Trước đó, 132/193 nước thành viên LHQ đã công nhận Nhà nước Palestine. Nỗ lực của ông M.Abbas cũng nhận được sự đồng thuận của Phong trào Hồi giáo Hamas (đang kiểm soát Dải Gaza). Một điều quan trọng là tại ĐHĐ LHQ, Mỹ không có quyền phủ quyết và quá trình bỏ phiếu tại đây cũng không cần thông qua Hội đồng Bảo an. Được trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên tại LHQ - là một thắng lợi ngoại giao và tinh thần to lớn với nhân dân Palestine. Từ đây, Palestine sẽ được tiếp cận các cơ quan LHQ trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế (CPI) để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc mình.

Thành công này có được phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống M.Abbas cùng ban lãnh đạo chính quyền Palestine. Bởi, kể từ khi thất bại trong nỗ lực đề nghị LHQ trao quy chế thành viên chính thức, do Mỹ bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ (tháng 9-2011), chính quyền của ông M.Abbas vẫn không từ bỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc lập. Trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Đại hội đồng LHQ, phát biểu với báo giới giữa thủ phủ lâm thời của chính quyền Palestine tại thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây, ông M.Abbas đã khẳng khái bày tỏ rằng, bất chấp khó khăn, thử thách, ban lãnh đạo Palestine sẽ tới LHQ để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Nhà nước quan sát viên tại LHQ, bước đi đầu tiên nhằm thực hiện các quyền của người Palestine. Và khát vọng chính đáng của người Palestine đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia tại ĐHĐ LHQ.

Tuy nhiên, sau thành công vừa đạt được, chặng đường phía trước của chính quyền Palestine là không hề bằng phẳng. Trước hết, trên phương diện tài chính, chắc chắn, Palestine sẽ mất hàng trăm triệu USD do các biện pháp trừng phạt trả đũa mà Mỹ và Israel đang trù tính. Bởi trước đó, ngay khi Tổng thống M.Abbas đệ trình đơn xin nâng cấp quy chế lên LHQ, Washington và Tel Aviv đều có phản ứng gay gắt. Chính quyền Mỹ cho rằng, điều này sẽ phá vỡ tiến trình đàm phán với Israel để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai bên. Trong khi đó, Israel dọa áp đặt các biện pháp kinh tế hà khắc chống lại Palestine nếu Tổng thống M.Abbas tiếp tục theo đuổi kế hoạch này. Phản ứng của bộ đôi Mỹ - Israel là dễ hiểu. Bởi, với Tel Aviv, việc công nhận nền độc lập của Palestine đồng nghĩa với phải dỡ bỏ sự "chiếm đóng" bấy lâu nay của Israel trên phần đất của người Palestine. Còn với Washington, lựa chọn sát cánh cùng đồng minh chủ chốt tại Trung Đông là điều không thể tranh cãi.

Người Palestine, sau hàng thập niên ly tán, chịu nhiều đau thương phải được tự do trên mảnh đất quê hương có chủ quyền và độc lập. Đó là quyền con người chính đáng và không thể phủ nhận. Và, kết quả cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ là thái độ rõ ràng của cộng đồng quốc tế. Dẫu chặng đường phía trước còn vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng dư luận quốc tế tin rằng, thành công vừa đạt được sẽ là động lực tiếp sức cho người dân Palestine trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Việt Nam chúc mừng Palestine được trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên tại LHQ

(HNM) - Ngày 30-11, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 29-11, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên cho Palestine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết:

"Việt Nam chúc mừng Palestine được Đại hội đồng Liên hợp quốc trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên, coi đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền dân tộc cơ bản, trong đó có quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel".

Trung Hiếu

Thanh Hải