Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc
Chính trị - Ngày đăng : 07:42, 30/11/2012
Trong tình thế ngặt nghèo, không đánh mất mình, bằng bản lĩnh vững vàng, trí tuệ nhạy bén, truyền thống vẻ vang của một dân tộc văn hiến và anh hùng, Việt Nam đã nhìn thấy - nắm bắt được cơ hội để đứng vững và vươn tới. Đó là câu chuyện Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua, kể từ khi bắt đầu xuất hiện sự chao đảo rồi dẫn tới sự sụp đổ vô tiền khoáng hậu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.
Bằng tư duy khúc triết và đầy hình ảnh, nhà báo Hồ Quang Lợi - người vinh dự 9 lần được trao giải báo chí quốc gia, toàn quốc - đã “dàn cảnh” một “bộ phim Việt Nam” tầm vóc và hấp dẫn. 66 tác phẩm chọn lọc từ năm 1989 đến cuối năm 2012 đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của người cầm bút ở những thời điểm đầy biến cố và cần một dự cảm thời cuộc sắc bén. Cuốn sách có sức lôi cuốn lạ từ cách đặt tít, biến hóa trong cấu trúc, có chiều sâu trong lập luận, táo bạo và đáng tin trong dự báo. Viết về quốc tế luôn có mối liên hệ trực tiếp với Việt Nam, viết về Việt Nam luôn đặt trong dòng chảy thế giới. Có những bài tác giả viết cách đây 23 năm mà đến nay đọc vẫn thấy rất có ý nghĩa thời sự, giúp người đọc nhìn nhận có hệ thống các chuỗi sự kiện đã tác động mạnh mẽ tới vận mệnh đất nước ta trong những cung đoạn đặc biệt, đầy thách thức, để từ đó thấy rõ hơn con đường dân tộc đang đi.
Du học Châu Âu thời trai trẻ, đặt chân tới hàng chục quốc gia trong đời làm báo, thế giới quan rộng mở, hiểu biết của Hồ Quang Lợi luôn thao thức cho sự vượt thoát tới chân trời phát triển mới của đất nước mình. Sự sắc sảo, nhạy cảm ấy, cùng khả năng bao quát giúp nhà báo “thu vào ống kính” biểu tượng Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc, được dùng làm nhan đề tập sách. Ngòi bút chính luận Hồ Quang Lợi đã góp phần làm rõ hơn những bước đi của nước Việt Nam đổi mới trong thời biến động toàn cầu.
Các tác phẩm được sắp xếp theo cụm vấn đề, bám theo mạch thời gian - sự kiện, với 4 phần. Phần 1 - Sự thật và lăng kính: Bày tỏ quan điểm về cách nhìn nhận của Mỹ và một số nước phương Tây về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam. Phần 2 - Cần đôi mắt mới: Tác giả dành trọn để viết về mối bang giao đầy thăng trầm giữa Việt Nam và Mỹ trong gần một phần tư thế kỷ qua: căng thẳng, phức tạp lúc còn cấm vận; trải qua nhiều gập ghềnh trắc trở, vận hành tới “điểm nút” tất yếu của xu thế phát triển: bình thường hóa, hợp tác theo hướng ngày càng tốt đẹp giữa hai quốc gia. Phần 3 - “Vượt cạn” thời bình: Việt Nam vượt khó, thoát hiểm qua những bão lốc thế sự bằng bản lĩnh, trí tuệ, khởi sắc thời đổi mới. Sức chuyển mình trong tư tưởng, hành động của đất nước dân số trẻ biết chớp cơ hội, đón gió thời đại mà đi tới. Phần 4 - Theo hướng Rồng bay: Có sức cuốn hút và ấn tượng mạnh. Ở đó, chan chứa, lắng sâu một tình yêu Hà Nội - ai cũng có nhưng không phải ai cũng có thể diễn đạt - với sức truyền cảm tự trái tim mình. Yêu thương, lo lắng, khao khát, ước mơ cho Hà Nội thể hiện qua những bài chính luận, tùy bút, trả lời phỏng vấn, tạo nên sự đa dạng về giọng điệu theo một trục thống nhất. Yêu Thăng Long - Hà Nội là yêu chốn địa linh nhân kiệt của Việt Nam, hòa nhịp trái tim văn hiến là nghĩ và hành động cho nhịp sống, vận hội của cả dân tộc.
Nếu ba cuốn sách đã xuất bản trước của nhà báo Hồ Quang Lợi gồm Cuộc bứt phá toàn cầu (1997), Ẩn số thời cuộc (2004) và là Xung chấn kỷ nguyên đột biến (2011) chủ yếu viết về đời sống quốc tế, thì tác phẩm thứ tư này hoàn toàn viết về Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội trong nhịp đập thời sự quốc tế đầy biến động và trong dòng chảy cuồn cuộn của xu thế toàn cầu hóa đang tác động sâu sắc đến vận mệnh của từng quốc gia.
Hy vọng cuốn sách Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc góp phần luận giải hai câu hỏi lớn: Vì sao Việt Nam có thể đứng vững trong giông tố thời cuộc? Việt Nam sẽ đi tới như thế nào trong một thế giới đã và đang đổi thay sâu sắc, đang đan xen các tầng quan hệ và lợi ích vô cùng phức tạp và nhạy cảm?